Chiều 22/5, khi PV “quây kín” Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vì khái niệm “thu giá" BOT khiến dư luận ngỡ ngàng, thì Bộ trưởng nói “thu giá” để “né” giám sát của Hội đồng Nhân dân.
Là một PV theo dõi mảng Quốc hội và có điều kiện tác nghiệp bên hành lang vào giờ giải lao của các ĐBQH, tôi thấy rất trân trọng cách ứng xử của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Chắc hẳn, Bộ trưởng hiểu hơn ai hết, đằng sau mỗi PV là một tòa soạn báo đang đợi tin, đằng sau mỗi tờ báo là hàng triệu độc giả đang ngóng thông tin. Bởi thế, không dưới 3 lần, Bộ trưởng khéo léo xua tay ám chỉ thời gian giải lao đã hết, ra hiệu vào phòng Diên Hồng vì luật Quốc phòng (sửa đổi) đang cần gần 500 ĐBQH trong đó có Bộ trưởng, thảo luận để thông qua tại kỳ họp này. Thế nhưng, vì những thắc mắc của PV, vì sự chờ đợi của dư luận, Bộ trưởng đã nán lại. Sự nán lại của Bộ trưởng khiến một PV như tôi thật sự cảm kích, nể trọng.
Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời về "thu giá" BOT bên hành lang Quốc hội, kỳ họp thứ 5, chiều 22/5. |
Bộ trưởng dẫn ra khá nhiều lý thuyết về BOT mà tôi tin rằng, chuyên gia giao thông cũng khó cắt nghĩa giữa mối liên quan giữa câu hỏi của PV và câu trả lời của Bộ trưởng. Chỉ đơn giản là “vì sao chuyển từ “thu phí” sang “thu giá””, nhưng trả lời: “Doanh nghiệp nào sản xuất ra sản phẩm cũng phải tính toán mức giá hợp lý để thu hồi khoản vốn đầu tư”.
Ai cũng hiểu quy luật của thị trường là thế, chỉ khái niệm “thu giá” là chưa ai hiểu. Thế nhưng, "thu giá" là gì, thưa Bộ trưởng? Nhiều câu trả lời “đánh võng” khiến tâm trạng của người hỏi băn khoăn mãi. Ngay từ những câu hỏi đầu tiên về quan điểm chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” BOT, Bộ trưởng khẳng định: “đây không phải do Bộ tự đặt ra mà do Nghị định của Chính phủ quy định”.
PV cũng mang đến với Bộ trưởng một thắc mắc lớn của dư luận về câu chuyện đánh tráo khái niệm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy giá, dễ đề xuất tăng giá sau này, nhưng Bộ trưởng lại khẳng định về tầm quan trọng của BOT: “Tại sao Thủ tướng Chính phủ họp, tại sao các bộ ngành họp, tại sao Quốc hội yêu cầu xem xét…”.
Những điều ấy ai cũng đã biết – vì thực hiện BOT làm méo mó chủ trương tốt đẹp ban đầu, chỉ khái niệm “thu giá” là chưa ai biết.
PV tiếp tục hỏi, doanh nghiệp vẫn muốn tăng giá thì sao, Bộ trưởng nói họ sẽ phải ngồi lại với Bộ, tới khi Bộ cho phép. Nhưng ai dám chắc trên bàn tròn “ngồi lại” ấy, không có “lợi ích nhóm” chi phối, không có “bôi trơn”, “hoa hồng” để “phù phép”?
Bộ trưởng khẳng định, "thu giá" khác thu phí vì: "phí liên quan đến nghị quyết của HĐND địa phương và HĐND địa phương không linh động được. Bây giờ chuyển qua giá, bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy nhưng mình sẽ điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng điều kiện từng vị trí, từng khu vực. Còn ra HĐND, để điều chỉnh một mức rất khó khăn”.
"Thu giá" là gì, thưa Bộ trưởng, nếu không phải là có ý muốn “né” sự giám sát của HĐND để dễ bề tăng giá? "Thu giá" là gì, nếu không phải là doanh nghiệp sẽ bất lợi hơn rất nhiều khi có sự giám sát của HĐND? "Thu giá" là gì, nếu không phải là chuyển thẩm quyền điều chỉnh giá về bộ Giao thông Vận tải (chứ không phải là bộ Tài chính như trước đây) để… “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”? Hay bởi người dân bị “bao vây” giữa một rừng “phí” quá lâu rồi nên “thu giá” nghe cho khác với “thu phí”?.
Theo định nghĩa từ điển Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng 2008 mà PV đang có trên tay, danh từ “phí” là khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó, ví dụ: Thanh toán viện phí, thu phí cầu đường, chi phí, phí tổn. Còn “giá” là mầm đậu xanh, mầm đậu tương chưa mọc lá; biểu hiện giá trị bằng tiền như: Giá cả, giá hàng hóa.
Có nhà ngôn ngữ học đã lên tiếng cho rằng, "thu giá" là một từ không có nghĩa. Có người còn quả quyết, chưa có cuốn từ điển nào xuất bản có từ “thu giá”.
Phải chăng, có sự cố tình đánh tráo khái niệm – bình mới nhưng rượu cũ, làm méo mó sự trong sáng của tiếng Việt ? Sự nhập nhèm trong ngôn từ đáng lên án, nhưng có lẽ chưa đáng sợ bằng nhập nhèm trong tư duy. Với ngôn ngữ, sai thì sửa, xin lỗi, rút lại. Nhưng ở tư duy, cái sai sẽ dẫn lối đưa đường cho “nhóm lợi ích” phát triển, cho một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất được ví như “sâu mọt” đục khoét vào lợi ích của dân, của nước, làm biến dạng chủ trương của tổ chức. Đó mới là điều nguy hiểm.
Hơn nữa, nếu lấp liếm được trong câu chữ, sẽ lấp liếm được trong hành động. Liệu vấn đề trả phí sử dụng đường BOT có còn được “rõ ràng, minh bạch” như khẩu hiệu và mục tiêu của ngành Giao thông – nơi Bộ trưởng đang là “Tư lệnh”?
Thưa Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thu gì thì đến cuối cùng, người dân vẫn phải đóng tiền. Điều người dân mong muốn là thu đủ, thu đúng và rõ ràng, không chỉ chuyện tiền nong mà cả vấn đề câu chữ, khái niệm ngôn từ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
[presscloud]2582[/presscloud]
Theo Người đưa tin