+Aa-
    Zalo

    Thứ 6 ngày 13 có thực sự đen đủi như lời đồn?

    (ĐS&PL) - Nỗi sợ thứ 6 ngày 13 bắt nguồn từ phương Tây, sau đó dần lan ra cả thế giới. Nhiều người cho rằng đây là ngày không được may mắn, dễ gặp điều xui rủi.

    Nguồn gốc thứ 6 ngày 13

    Theo National Geographic, thứ 6 ngày 13 là quan niệm mê tín của người phương Tây giống như các quan niệm làm vỡ gương hay đi trước một con mèo đen. Họ tin rằng nếu ngày 13 rơi vào thứ 6 thì đó là một ngày đen đủi.

    Trong quan niệm của người phương Tây, thứ 6 là ngày xấu nhất trong tuần, còn ngày 13 là ngày xấu nhất trong tháng. Hai yếu tố này kết hợp với nhau khiến thứ 6 ngày 13 trở thành nỗi sợ hãi lớn.

    Người ta thậm chí còn đặt cho hội chứng sợ thứ 6 ngày 13 cái tên "paraskevidekatriaphobia", trong đó "paraskevi" là thứ 6, "dekatria" là số 13 và "phobia" là nỗi sợ hãi (theo tiếng Hy Lạp).

    Nguồn gốc nỗi sợ thứ 6 ngày 13 chưa được làm rõ. Các nhà khoa học không tìm thấy văn bản viết tay về nỗi sợ này trước thế kỷ 19. Tuy nhiên, những quan niệm mê tín xoay quanh số 13 xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ 18 trước Công nguyên. Trang Alphr cho biết quan niệm về sự đen đủi của thứ 6 ngày 13 có thể bắt nguồn từ 2 câu chuyện liên quan đến chúa Jesus và thần Loki.

    thu 6 ngay 13 co thuc su den dui nhu loi don1
    Bức tranh "Bữa tối cuối cùng" vẽ Chúa Jesus và 12 tông đồ vào đêm trước khi ngài bị giết.

    Chia sẻ với tờ USA Today, giáo sư sử học Michael Bailey thuộc Đại học bang Iowa – chuyên gia về nguồn gốc các loại mê tín dị đoan cho biết: "Nỗi sợ hãi thứ 6 ngày 13 bắt nguồn từ Kitô giáo. Chúa Jesus bị đóng đinh vào thứ 6 ngày 13 và kể từ đó người ta cho rằng ngày này là một điểm xấu".

    Giáo sư Bailey tiết lộ vào thời Trung cổ, mọi người thậm chí không tổ chức đám cưới vào các ngày thứ 6 và  ngày này cũng không được chọn để khởi hành một chuyến đi.

    "Có 13 vị khách được cho là đã tham dự bữa tối cuối cùng vào đêm trước khi Chúa Jesus bị giết", giáo sư tâm lý học Stuart Vyse của Đại học Connecticut cho hay. Judas Iscariot – môn đệ đã phản bội Chúa Jesus, được cho là vị khách thứ 13.

    Ngoài ra, thứ 6 cũng được cho là ngày mà Eva rủ Adam ăn trái cấm, cũng là ngày mà Cain (con trai cả của Adam và Eva) sát hại em trai mình là Abel.

    Truyền thuyết của Na Uy lại kể về bữa tiệc của 12 vị thần ở Valhalla. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp cho tới khi người thứ 13 xuất hiện. Đó là Thần tinh quái Loki – một vị khách không mời. Loki đã cấu kết với Thần bóng tối Hoder, bắn chết Thần niềm vui và hạnh phúc Balder, nhấn chìm thế giới trong sự tang tóc, tối tăm.

    Một truyền thuyết khác là câu chuyện về thứ 6 ngày 13 tồi tệ xảy ra vào thời Trung cổ. Cụ thể, đúng thứ 6 ngày 13/10/1307, Vua King của Pháp đã  tống giam những Hiệp sỹ được tôn kính Templar và tra tấn họ, đánh dấu cho ngày của Quỷ dữ.

    Một số sự kiện xảy ra vào thứ 6 ngày 13 gần đây

    Nếu thứ 6 ngày 13 chỉ trùng với những sự kiện xui xẻo trong các niềm tin, tôn giáo khác nhau thì có lẽ nó sẽ không phổ biến đến vậy. Tuy nhiên, lịch sử đã ghi nhận các sự kiện nổi tiếng, từ xui xẻo đến kinh hoàng đúng thứ 6 ngày 13. Sự trùng hợp của các tai nạn xảy ra trong ngày này càng khiến nhiều người lo sợ vận rủi của thứ 6 ngày 13.

    Một trong số các tai nạn để lại hậu quả lớn là vụ đắm tàu Costa Concordia xảy ra vào tháng 1/2012 tại Italia. Con tàu bị mắc cạn, lật và chìm một phần ngoài khơi Tuscany (Italia) khiến hơn 4.000 người trên boong phải di tản và 32 người thiệt mạng, theo trang Britannica. Thuyền trưởng Francesco Schettino bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau.

    Một vụ tai nạn đáng chú ý khác là vụ máy bay đâm vào dãy Andes. Cụ thể, ngày 13/10/1972, máy bay chở đội bóng bầu dục Old Christians trên đường từ thủ đô Montevideo của Uruguay đến thủ đô Santiago của Chile để thi đấu đã gặp nạn.

    Phi cơ chở 45 người đâm vào dãy Andes khiến một số người tử vong ngay lập tức vì bị hút ra từ lỗ thủng trên thân máy bay. Chiếc máy bay gãy cánh, đâm sầm xuống đỉnh núi phủ tuyết. Chỉ có 27 người sống sót sau cú va chạm. Daily Mail cho biết những người sống sót đã làm mọi cách để có thể tồn tại trong những ngày tiếp theo, kể cả việc ăn thịt người.

    Một loạt sự kiện khác xảy ra vào đúng thứ 6 ngày 13 khác có thể kể đến như Đức đánh bom Cung điện Buckingham (tháng 9/1940), vụ giết Kitty Genovese ở Queens, New York (tháng 3/1964), trận lốc xoáy làm hơn 300.000 người thiệt mạng ở Bangladesh (tháng 11/1970), sự cố tàu Apollo 13 khiến dự định đổ bộ xuống mặt trăng bị hủy bỏ (tháng 4/1970), cái chết của rapper Tupac Shakur (tháng 9/1996).

    Thứ 6 ngày 13 có thực sự xui xẻo?

    Một nghiên cứu ở Đức vào năm 2011, xuất bản trên Tạp chí Phẫu thuật thế giới nêu mối liên quan giữa thứ 6 ngày 13 và sự gia tăng các trường hợp cấp cứu. Các nhà khoa học đã xem xét thông tin trong 3.281 ngày ở một bệnh viện, trong đó có 15 ngày thứ 6 ngày 13. Tuy nhiên, họ không tìm ra bất cứ mối tương quan nào, cuối cùng đi đến kết luận dữ liệu chỉ ra những niềm tin về thứ 6 ngày 13 không có cơ sở.

    thu 6 ngay 13 co thuc su den dui nhu loi don
    Thứ 6 ngày 13 luôn được mọi người nhắc đến như là một ngày xui xẻo nhất trong năm. Ảnh minh họa

    Trong khi đó, National Geographic dẫn lời Thomas Fernsler, một nhà khoa học tại Trung tâm Tài nguyên Giáo dục Khoa học và Toán học, thuộc Đại học Delaware (Mỹ), cho biết con số 13 phải chịu định kiến xui rủi vì đứng trước nó là một con số may mắn.

    Nhiều người coi 12 là một con số hoàn chỉnh, mỗi năm có 12 tháng, 12 cung hoàng đạo, 12 vị thần trên đỉnh Olympus, 12 chiến công của Hercules... Số 13 xuất hiện đã phá vỡ sự hoàn chỉnh đó.

    Trang Alphr lại cho biết không phải ở đâu cũng quan niệm 13 là số kém may mắn. Theo đạo Hindu, các tín đồ tôn thờ chúa Shiva và Parvati vào ngày Trayodashi, ngày thứ 13 trong tháng Hindu. Trong đạo Phật, có 13 vị Phật trong trường phái Shingon. Cuốn Đại Giải phóng Tây Tạng còn đề cập đến 13 dấu hiệu may mắn. Tại Ý và Trung Quốc, người ta sợ số 17 và 4 hơn số 13.

    Đặc biệt, một  nghiên cứu tiến hành bởi Trung tâm Thống kê Bảo hiểm Hà Lan năm 2008 cho thấy vào thứ 6 ngày 13, số vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn và trộm cắp trong ngày này ít hơn so với các thứ 6 khác. Nguyên nhân là vì nhiều người lo sợ nên ít ra ngoài vào ngày này.

    Theo Independent, một nhóm người thậm chí còn thành lập câu lạc bộ 13 để xóa tan những điều mê tín xoay quanh con số này cũng như một số quan niệm khác. Sau nhiều năm, câu lạc bộ thu hút tới 400 thành viên nhưng họ đều không gặp điều xui xẻo nào.

    Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Connecticut ở New London cho rằng chính sự tin tưởng quá mức dẫn tới mê tín trong niềm tin từ thời xưa mà nhiều người đã dần phát triển một nỗi sợ "mặc định" về thứ 6 ngày 13.

    "Nếu không ai nói với chúng ta về những điều mê tín, cấm kỵ tiêu cực trong thứ 6 ngày 13, hẳn nhiều người không cảm thấy lo lắng và vẫn làm tốt mọi việc như ngày thường. Không những thế, nỗi sợ hãi này còn được đưa vào các bộ phim, nhiều cuốn sách, câu chuyện... nên càng khiến cho nỗi ám ảnh đó thêm mạnh mẽ", giáo sư tâm lý học Stuart Vyse thuộc trường Đại học Connecticut nhận định.

    Nhà nghiên cứu Rebecca Borah thuộc Đại học Cincinnati (Mỹ) cũng có cùng quan điểm: "Chính sự mê tín trong suốt nhiều thế kỷ qua đã khiến con người tạo thành một thói quen sợ hãi. Hiện tại, chúng ta vẫn tiếp tục thừa nhận, tin vào sự đen đủi sẽ xảy đến vào thứ 6 ngày 13. Chính thói quen, nếp suy nghĩ đó đã khiến cho sự sợ hãi về thứ 6 ngày 13 tồn tại trong tâm trí mỗi người, khiến chúng ngày một bền vững".

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-6-ngay-13-co-thuc-su-den-dui-nhu-loi-don-a537414.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan