+Aa-
    Zalo

    THPT quốc gia 2018: Đề thi phân hóa cao nhưng điểm chuẩn còn phụ thuộc vào phổ điểm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thí sinh cần lưu ý, điểm xét trúng tuyển còn phụ thuộc vào phổ điểm thi, những ngành mức điểm phổ biến từ 16 – 18 rất có thể là điểm chuẩn không thay đổi.

    Thí sinh cần lưu ý, điểm xét trúng tuyển còn phụ thuộc vào phổ điểm thi, có thể với các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất, do đề thi năm nay khó hơn thì điểm có thể hạ, nhưng với những ngành mức điểm phổ biến từ 16 – 18, rất có thể là điểm chuẩn trúng tuyển không thay đổi.

    Đề thi phân hóa cao, điểm thi chủ yếu ở mức 5-6

    Nhân định về đề thi năm nay, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng, cấu trúc đề thi khá giống với đề thi minh họa. Với 50% câu hỏi học sinh trung bình có thể làm được để tốt nghiệp, 30% câu hỏi tiếp theo sẽ dùng để dành cho các học sinh khá muốn đậu vào các trường tốp giữa, 10% dành cho học sinh giỏi và 10% câu dành cho học sinh cực kỳ xuất sắc muốn đậu vào trường top trên.

    “Về cơ bản, đề thi đảm bảo được 2 mục tiêu, tuy nhiên độ khó cao hơn năm trước nhiều, đến nỗi học sinh trường chuyên cũng than phiền. Với bộ đề thi này, điểm 9 ở hầu hết các môn là cực hiếm do đó sẽ không còn mưa điểm 10 như năm trước…”, ông Độ nói.

    Mặc dù đánh giá đề khó, điểm tối đa sẽ ít song ông Độ cho rằng, phổ điểm vẫn sẽ dao động quanh điểm 4 và 5, độ phân hóa đề cao sẽ giúp phân loại được học sinh khá, giỏi và xuất sắc, giúp các trường chọn đúng được đối tượng học sinh của mình.

    Đề thi THPT mang tính phân hóa cao. Ảnh minh họa

    Cũng trả lời trên VOV về vấn đề dự đoán điểm thi THPT quốc gia 2018, thầy Lại Tiến Minh, giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Để đạt được mức điểm từ 4-5 điểm đủ để xét tốt nghiệp thì không khó, tuy nhiên, để xét tuyển đại học thì yêu cầu thí sinh phải làm thật nhanh. Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn nhiều so với đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó, nhưng khá dài. Phổ điểm phổ biến sẽ trong khoảng 4-6 điểm. Những học sinh thực sự khá có thể đạt từ 7-8 điểm, mức điểm trên 8 sẽ không nhiều như những năm trước”.

    Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Cường, tổ Toán hệ thống Tuyensinh 24/7 nhận định rằng: “Đề thi có mức độ câu hỏi rộng, mức độ hỏi sâu, tính phân loại cao. Mức độ câu hỏi ở nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 20-25 câu và học sinh trung bình có thể được số điểm từ 4-5,5 điểm. Học sinh có học lực khá có thể giải quyết 35 câu đầu tiên và đạt điểm khoảng từ 7 đến 7, 4. Học sinh giỏi thực sự mới có thể làm đúng và có thể đạt điểm trên 9. Năm nay, số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều”.

    Không chỉ riêng môn Toán, với các bài thi khác, đặc biệt là bài thi môn Ngữ văn cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề thi quá khó.

    Cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, đề thi ra đảm bảo có cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Các câu hỏi ra trong vài thi khá hay và có tính phân loại cao. Tuy nhiên, để làm trong thời gian 120 phút đề thi này thì hơi quá sức với học sinh. Ở câu hỏi mở rộng, đòi hỏi thí sinh phải tư duy và liên hệ thực tiễn kiến thức đã học trong thực tiễn cuộc sống. Phần suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân mang tính vĩ mô.

    Trước mức đề như năm nay, các giáo viên dự đoán, mùa thi này sẽ không còn “mưa điểm 10” như năm ngoái. Thay vào đó, mức điểm phổ biến của bài thi KHTN, KHXH sẽ phổ biến từ 6-7.

    Điểm chuẩn các trường ĐH sẽ phụ thuộc vào phổ điểm chung

    Trong số các trường kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng được số đông thí sinh quan tâm đăng ký xét tuyển. Chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định: “Đề thi năm nay được đánh giá khó hơn năm ngoái, mức điểm xét tuyển của trường cụ thể thế nào chúng tôi phải đợi kết quả sơ bộ mới đưa ra dự đoán được. Năm 2017, điểm chuẩn của trường dao động từ 16,5 - 22 điểm. Năm nay số hồ sơ ĐKXT vào trường tương đương năm ngoái nhưng không đồng đều giữa các ngành. Những ngành như Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử có số hồ sơ đăng ký tăng, trong khi một số ngành khác giảm.

    Thí sinh cũng cần lưu ý là điểm xét trúng tuyển còn phụ thuộc vào phổ điểm thi, có thể với các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất, do đề thi năm nay khó hơn thì điểm có thể hạ, nhưng với những ngành mức điểm phổ biến từ 16 – 18, rất có thể là điểm chuẩn trúng tuyển không thay đổi”.

    Trong khối các trường Y - Dược, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đề thi khó hơn năm 2017 giúp phân loại thí sinh tốt hơn thì xu hướng điểm chuẩn giảm một chút là điều có căn cứ. Tuy nhiên chưa thể đưa ra dự đoán giảm bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào phổ điểm thi của thí sinh cũng như tỷ lệ xét tuyển vào trường và những ngành đào tạo”.

    Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 này, cả nước có hơn 2,75 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, với 381 đơn vị tham gia xét tuyển, tổng chỉ tiêu là 449.559 chỉ tiêu (tăng 1,2% so với năm 2017).

    Nguyễn Phượng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thpt-quoc-gia-2018-de-thi-phan-hoa-cao-nhung-diem-chuan-con-phu-thuoc-vao-pho-diem-a235102.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan