(ĐSPL) - Đó là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày hôm qua.
Tại cuộc họp báo, trả lời phóng viên các báo về việc trên một số trang mạng tuần qua xuất hiện các thông tin và hình ảnh cho rằng nhiều xe tăng, thiết giáp đang được vận chuyển vào phía Nam qua đường sắt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định thông tin “chuyển vũ khí vào phía Nam là không xác thực”.
Ngoài ra, theo báo Thanh Niên, cũng tại cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình đã cho biết một số thông tin liên quan đến tình hình tàu cá QNg 95924 TS cùng 33 ngư dân đã bị lực lượng chức năng Brunei bắt giữ hồi giữa tháng 5/2015 và mới kết thúc việc xét xử vào ngày 12/6 vừa qua.
Theo ông Lê Hải Bình, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei vào ngày 12/7 đã phối hợp các cơ quan chức năng sở tại và gia đình những ngư dân bị bắt giữ thu xếp để 2 ngư dân Việt Nam ở tuổi vị thành niên được về nước sau khi tòa án Brunei ra phán quyết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: báo Thanh Niên. |
Ông Lê Hải Bình cũng cho biết, 31 ngư dân còn lại hiện đang bị giam giữ tại Brunei có sức khỏe ổn định. Trong số này có 21 ngư dân sẽ hết hạn tù vào hôm nay 16/7, 8 ngư dân hết hạn tù vào 29/7 và 2 ngư dân là chủ tàu và thuyền trưởng sẽ hết hạn tù vào 29/9.
Theo ông Lê Hải Bình, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Brunei để duy trì và bảo quản tàu cá, cũng như chuẩn bị các thủ tục, thu xếp để các ngư dân về nước sau khi chấp hành xong án phạt.
Theo báo Tri thức trực tuyến, Cũng tại buổi họp báo, trước thông tin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh để phục vụ cho đấu tranh ngoại giao. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đây cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam phản đối mạnh mẽ mọi hành động ngăn cản ngư dân Việt Nam hoạt động, làm ăn bình thường trên khu vực vùng biển chủ quyền.
Đối với thông tin Trung Quốc kêu gọi Philippines dừng vụ kiện quốc tế và tiến hành đàm phán riêng với nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, mọi tranh chấp ở Biển Đông đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển 1982 và tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. "Đây là quan điểm nhất quán của Việt Nam", ông Bình nói.
Trần Long(Tổng hợp)