Tài xế cầm dao chém xe buýt vì bị "tạt đầu"
Liên quan đến vụ tài xế xe Mazda cầm dao chém xe buýt do bị "tạt đầu", ngày 22/2, báo Dân Việt dẫn thông tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đã tạm giữ hình sự Nguyễn Lê Tuấn Đức (SN 1991, ở Phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi "Hủy hoại tài sản".
Nguyễn Lê Tuấn Đức được xác định là tài xế xe Mazda cầm dao chém xe buýt ở Hà Nội.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh người điều khiển xe ô tô Mazda biển kiểm soát 30G-429xx, cho dừng xe giữa đường Hoàng Quốc Việt (TP.Hà Nội), cầm dao chém nhiều nhát vào kính và phần lốp xe buýt.
Vụ việc xảy ra khiến kính xe buýt bị xước một đoạn, một phần lốp bị chém rách. Ngay khi tiếp nhận thông tin, công an đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ.
Tại cơ quan công an, Đức khai, do trong khi di chuyển trên đường đã xảy ra va chạm với xe buýt. Khi đến điểm trung chuyển trước cổng trường Đại học Điện lực, Đức điều khiển xe ô tô của mình phóng qua, rồi dừng lại trước đầu xe buýt.
Tiếp đến, Đức cầm 2 con dao (dạng dao quắm) đi tới đầu xe buýt, chửi bới, đe dọa, rồi chém vào kính chắn gió phía trước và lốp xe phía trước bên trái của xe buýt làm hư hỏng tài sản.
Cơ quan chức năng xác định tài sản bị hủy hoại trị giá 18 triệu đồng. Căn cứ vào hành vi của Nguyễn Lê Tuấn Đức, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra lệnh tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ để xử lý về hành vi hủy hoại tài sản.
Góc nhìn từ luật sư
Thông tin trên tờ An ninh Thủ đô về vụ việc, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 178 BLHS 2015 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Như vậy, giá trị tài sản bị làm hư hỏng hoặc hủy hoại phải trong khoảng từ 2 - dưới 50 triệu đồng.
Nếu thuộc các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ… thì dù giá trị tài sản bị hủy hoại dưới 2 triệu vẫn bị xử lý hình sự về tội này.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Như vậy, hủy hoại tài sản, tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy theo tính chất của hành vi, mức độ tài sản bị thiệt hại, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu hình phạt tương ứng.
Đối chiếu với vụ việc trên Hội đồng định giá tài sản đã xác định tài sản bị hủy hoại có trị giá 18 triệu đồng.
"Do đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng này có thể bị xử lý theo Khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm", luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Thủy Tiên(T/h)