(ĐSPL) – Bức xúc trước hành động hất chiến sĩ cảnh sát lên nắp capo, một số người dân quá khích đã lao vào “đánh hội đồng” tài xế taxi khi anh này dừng lại.
Do đạp nhầm chân ga?
Trước đó, như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, vào khoảng 15h10 hôm qua (5/2), trên phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội) chiếc taxi hãng Group BKS 30P-4406 chạy vào đường cấm nên cảnh sát đã ra hiệu lệnh dừng xe.
Thay vì dừng lại, chiếc taxi tiếp tục nhấn ga chạy thẳng, hất một chiến sĩ cảnh sát lên nắp capo và tiếp tục bỏ chạy. Tài xế chỉ chịu dừng lại khi bị người dân chặn lại tại đoạn giao với phố Huế, cách vị trí vi phạm vài trăm mét. Danh tính tài xế được làm rõ là Nguyễn Thành Luân (SN 1989, trú ở quận Đống Đa, Hà Nội).
Tài xế taxi bị đánh hội đồng - ảnh cắt từ clip. |
Chiến sĩ cảnh sát bị tài xế taxi hất lên nắp capo là Thiếu úy Phùng Duy Tân - Công an phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo lời khai ban đầu của Luân, anh ta mới lái xe và khi nhìn thấy cảnh sát, vì cuống mà Luân đã đạp nhầm chân ga.
Tuy nhiên, khi tài xế này dừng xe lại thì đã bị một số người dân do quá bức xúc khích đánh “hội đồng”.
Tài xế phạm luật, một số người dân cũng không hơn
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: "Hành động của người dân là việc làm bị pháp luật nghiêm cấm."
Luật sư Thanh phân tích: Pháp luật có những quy định về các trường hợp gây thiệt hại cho người khác mà không bị coi là vi phạm và không bị xử lý, chẳng hạn như gây thiệt hại trong "Tình thế cấp thiết".
Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh. |
"Tình thế cấp thiết" là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Liên hệ tới vụ việc người lái xe taxi hất một chiến sỹ cảnh sát trật tự lên nắp capo và cho xe chạy trong khi chiến sỹ cảnh sát vẫn nằm trên nắp xe, đây cũng có thể được coi là tình thế cấp thiết. Trong trường hợp này, người dân hoàn toàn có quyền sử dụng mọi biện pháp để buộc người lái taxi phải dừng xe, ví dụ như lao chướng ngại vật ra trước đầu xe, ném các vật dụng vào chiếc xe... Những việc làm này sẽ không bị pháp luật xử lý mặc dù nó gây thiệt hại cho tài sản của người lái xe bởi vì mục đích chính của những việc làm này là ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra cho chiến sỹ cảnh sát trật tự.
Theo luật sư Thanh, hành vi của người lái xe taxi đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đánh tài xế khi chiếc xe đã được chặn lại và người chiến sỹ cảnh sát đã an toàn lại cũng là việc làm bị pháp luật nghiêm cấm.
Trên thực tế như chúng ta đã biết, rất nhiều người bị xét xử và chịu hình phạt nghiêm khắc về các tội "Giết người", "Cố ý gây thương tích" khi đánh người vi phạm pháp luật như trộm chó, ăn cắp và đặc biệt gần đây có những vụ án đánh người vi phạm luật giao thông xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh mà ở đó có mức án tới 12 năm tù đã được tuyên.
“Như vậy, có thể thấy nếu chúng ta không biết kiềm chế bản thân thì đôi khi chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý rất lớn cho những sự việc chẳng liên quan gì đến bản thân. Qua đó, một lần nữa lại thấy công tác giáo dục tuyên truyền pháp luật của cơ quan chức năng tới người dân còn chưa được thực sự quan tâm, để rồi khi hậu quả xảy ra, toàn xã hội đều phải gánh chịu chứ không chỉ riêng mình ai”, luật sư Thanh kết luận.