+Aa-
    Zalo

    Đưa xe điện vào phục vụ du khách trong lễ hội chùa Hương 2023

    (ĐS&PL) - Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều nét mới như tổ chức mô hình vé điện tử, vận hành thử nghiệm dịch vụ xe điện với 3 tuyến đường.

    Báo Dân Trí đưa tin, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2023, cho biết lễ hội chính thức mở từ ngày 27/1 và kéo dài đến hết ngày 23/4 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến mùng 4/3  m lịch). Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón tiếp du khách về trẩy hội. 

    chua huong san sang cho le hoi xuan quy mao dspl
    Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ khai hội vào ngày 6 Tết Quý Mão.

    Ban Tổ chức đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát và một tổ kiểm tra liên ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai, thực hiện và hoàn thành trước ngày 11/1, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

    Theo báo Tiền Phong, ban tổ chức lễ hội chùa Hương vừa thông báo về giá vé gửi xe và vé xe điện di chuyển tại lễ hội. Cụ thể, khách mua vé điện tử và chuyển sang xe điện di chuyển vào bến đò Suối Yến nếu đi từ cổng Hội Xá. Cổng chợ Dầu từ Ứng Hòa - Cổng Tiên Mai năm nay không bán vé như mọi năm, khách đi thẳng vào bến xe chính.

    Vé xe điện có giá 10.000 đồng/người/lượt, đồng giá cho các tuyến. Giá vé tham quan thắng cảnh và xuồng đò là 130.000 đồng/người. Vé gửi ôtô bán theo giờ, có giá dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/giờ.

    Ban tổ chức cũng niêm yết giá dịch vụ xuồng, đò. Tuyến đò đi Hương Tích có giá 50.000 đồng/người/2 lượt. Tuyến đò đi Long Vân - Tuyết Sơn có giá 30.000 đồng/người/2 lượt.

    Bên cạnh các phương án đảm bảo an toàn, an ninh, ban tổ chức lễ hội chùa Hương sẽ hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, tránh tình trạng đặt tiền lễ, công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

    Để tạo điều kiện cho nhân dân du Xuân, trẩy hội thêm ý nghĩa, huyện Mỹ Đức đã triển khai banner mã QR, lắp đặt wifi… phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử văn hóa di tích, Lễ hội Chùa Hương.

    Trưởng Ban quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: "Yêu cầu đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con đi lễ, để người dân hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch và lễ hội. Chúng tôi đặt mục tiêu đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh".

    Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn lưu ý, sau 2 năm Lễ hội dừng tổ chức, tạo "sức nén" rất lớn trong dân, dễ "bung tỏa" nhu cầu tham quan, trẩy hội trong dịp này. Chính vì vậy, huyện Mỹ Đức cần tính toán đến các phương án dự phòng, huy động lực lượng, triển khai diễn tập nhuần nhuyễn, tránh "vỡ trận", nhất là vấn đề ùn tắc, chen lấn hay quá tải bến bãi trông gửi xe, phòng, chống dịch bệnh...

    Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, bên cạnh việc đảm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, cần chú trọng xuyên suốt trong Lễ hội là thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong không gian di tích. Ngay từ bây giờ, địa phương và các đơn vị cần lên các kế hoạch về tuyên truyền, giáo dục, vận động nội dung này với sự tham gia của Giáo hội Phật giáo, trụ trì chùa Hương… thông qua các buổi nói chuyện với Phật tử, các chương trình tuyên truyền trên hệ thống báo chí…, góp phần nâng cao ý thức từ lời nói, trang phục, hành vi ứng xử trong lễ hội.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tin-moi-nhat-ve-le-hoi-chua-huong-2023-a563163.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan