+Aa-
    Zalo

    Thông tin mới nhất từ phía Bộ GD-ĐT về phương án thi ĐH năm 2015

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vừa chia sẻ những thông tin mới nhất về phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, học viện năm 2015.

    Ngày 15/10, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chia sẻ những thông tin mới nhất về phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, học viện năm 2015.
    Thông tin mới nhất từ phía Bộ GD-ĐT về phương án thi ĐH năm 2015
    Ông Trần Văn Nghĩa trong buổi làm việc với PV.
    Thưa ông, ông có thể cho biết một số thông tin tổng hợp về các phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, học viện năm 2015 đã báo cáo về Bộ GD-ĐT tính tới thời điểm này?
    Đến thời điểm này, nhiều người vẫn đang nhầm ở những mốc thời gian mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Cụ thể, cần nhắc lại có 3 mốc thời gian là 30/9/2014, 15/10/2014 và 1/1/2015 với 3 ý nghĩa khác nhau.
    Đầu tiên, mốc 30/9 là mốc mà các trường phải nộp đề án tự chủ tuyển sinh riêng về Bộ GD-ĐT.
    Mốc 15/10 là mốc mà các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia báo cáo các môn thi được xác định để tuyển sinh vào từng ngành đào tạo.
    Mốc 1/1/2015 là toàn bộ thông tin tuyển sinh phải công bố công khai hoàn toàn.
    Các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh thì theo yêu cầu ngày 30/9 phải nộp lên. Và đến ngày 30/9 thì chúng tôi đã thống kê được khoảng 90 đề án tự chủ tuyển sinh, trong đó có 40 đề án của ĐH và 50 đề án của CĐ. Ngoài 62 đề án của các trường năm ngoái, năm nay có thêm 90 đề án như vậy.
    Sau khi các trường nộp đề án tự chủ tuyển sinh vào ngày 30/9, chúng tôi bắt đầu góp ý cho các trường để hoàn thiện. Có 2 hình thức góp ý.
    Thứ nhất điều gì không phù hợp với quy chế thì phải sửa. Thứ hai điều gì mà chúng tôi cảm thấy tốt hơn hướng của trường nêu thì gợi ý, tuy nhiên quyết định vẫn thuộc về các trường. Sau khi góp ý xong và đầy đủ về mặt quy chế thì bắt đầu đưa lên mạng. Và sẽ đưa lên trong vòng 1 tháng cho mọi người góp ý.
    Sẽ có những trường lên trước lên sau nhưng cứ lần lượt sau một tháng góp ý của xã hội sẽ được rút xuống để sửa những điểm chưa hợp lý. Tức là Bộ GD-ĐT sẽ không cần phê duyệt, các trường sẽ làm theo “hành lang” có sẵn rồi, Bộ GD-ĐT chỉ hướng dẫn các trường làm theo “hành lang” đó thôi.
    Sau khi xin ý kiến của xã hội sửa xong, Bộ GD-ĐT sẽ khẳng định đề án này đáp ứng yêu cầu của quy chế và cho phép họ triển khai.
    Còn các trường chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia thì không cần phải làm đề án, mà chỉ phải làm báo cáo về việc lựa chọn tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển thôi.
    Các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải báo cáo các môn thi xác định để tuyển sinh từng ngành đào tạo hạn cuối vào ngày 15/10. Vậy đến nay tình hình cụ thể ra sao rồi, thưa ông?
    Thực ra để nói con số giờ thì hơi sớm bởi một số trường sẽ gửi trong ngày 15/10. Vì vậy, đến ngày 20/10 sẽ có những thống kê chính xác hơn. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 60-70 trường gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT.
    Nếu trường nào làm sai công văn số 5151/BGDĐT-KTKĐCLGD thì yêu cầu phải sửa lại. Đó là yêu cầu rất rõ là bắt buộc các trường phải sử dụng các khối thi truyền thống để học sinh đỡ khổ vì phải thay đổi.
    Ngoài ra, có thể mở rộng các khối thi riêng do quyền của các trường. Tuy nhiên, quyền mở rộng là rất nhiều vì số tổ hợp môn thi là rất lớn. Vì vậy Bộ GD-ĐT cũng khuyên các trường phải chọn được tổ hợp hợp lý nhất.
    Theo báo cáo, rất nhiều trường giữ nguyên những tổ hợp môn thi cũ mà không thêm gì cả. Có trường mở rộng tổ hợp môn thi mới. Việc này sẽ cho phép các ngành chưa đúng môn thi trước đây được điều chỉnh đúng hơn.
    Nhưng cũng có những trường làm quá nhiều tổ hợp khiến không đảm bảo được chất lượng, bởi sẽ loạn nhiễu, không cân nhắc được nguồn tuyển, chưa kể khiến học sinh sẽ bị rối.
    Quan điểm của Bộ là khuyên các trường thêm cũng ở mức độ vừa phải nhất định, cân nhắc thêm những tổ hợp gì là hợp lý và mang lại hiệu quả nhất. Và đa phần các trường đang dừng lại tối đa là 4 tổ hợp môn thi.
    Nhìn chung đa phần các trường top trên thì vẫn giữ nguyên tổ hợp môn thi.
    Vậy các trường có đưa ra những điều kiện để thí sinh có thể nộp hồ sơ dự tuyển không, thưa ông?
    Không có nhiều trường đưa ra điều kiện và hiện trong số trường đã báo cáo về Bộ GD-ĐT thì chưa có trường nào đặt hình thức sơ tuyển. Thường thì những ngành đặc thù hoặc những trường top trên cần lọc thí sinh mới cần đến những điều kiện này.
    Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế có đề xuất dùng môn Văn để xét tuyển ngành y, quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào?
    Thứ nhất, phải nói rằng việc các trường ngành y chọn môn thi vẫn phải theo đúng công văn 5151. Đó là bắt buộc vẫn phải chọn khối B (Toán, Hóa, Sinh) truyền thống, cũng đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh đã học theo khối đó 3 năm THPT.
    Tuy nhiên, vẫn có thể mở rộng thêm một tổ hợp (khối thi) khác. Đó là việc của trường quyết định. Nhưng tổ hợp mới này phải có ít nhất một môn Toán hoặc Văn nhưng để đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn tuyển thì phải chọn những môn còn lại phù hợp với ngành đào tạo của trường.
    Ông có lời khuyên gì tới lứa thí sinh đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức bắt đầu từ năm học này?
    Các em học sinh có thể yên tâm, năm ngoái thi cái gì thì năm nay gần như vẫn sẽ thi như thế. Ngoài ra, các em còn có cơ hội nhiều hơn bởi thi nhiều môn hơn. Do đó, ngoài việc phục vụ khối thi chính, các em vẫn có thể lấy kết quả đó cộng hợp các môn thi tốt nghiệp để xét được các ngành khác nữa, điều này rất lợi cho các em.
    Xin trân trọng cảm ơn ông!      
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tin-moi-nhat-tu-phia-bo-gd-dt-ve-phuong-an-thi-dh-nam-2015-a55782.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Kỳ thi quốc gia dưới góc nhìn của một nhà giáo

    Kỳ thi quốc gia dưới góc nhìn của một nhà giáo

    (ĐSPL) - Vừa qua, chúng tôi nhận được một bài viết của một nhà giáo, trăn trở về kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo đó, làm thế nào để hướng đến một kì thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế để giáo viên và học sinh có cơ hội dạy thật - học thật là điều những người đứng trên bục giảng luôn quan tâm.