+Aa-
    Zalo

    Thông tin chính thức về người bị "ăn" mòn nửa mặt ở Tiền Giang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau thời gian xác minh thông tin, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa có báo cáo về sự việc người đàn ông bị “ăn” mòn nửa khuôn mặt gửi UBND tỉnh và Bộ Y tế.

    Sau thời gian xác minh thông tin, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa có báo cáo về sự việc người đàn ông bị “ăn” mòn nửa khuôn mặt gửi UBND tỉnh và Bộ Y tế.

    Ngày 24/9, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Bộ Y tế về trường hợp anh Huỳnh Văn Đạt (SN 1964, ngụ ấp Hậu Hoà, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang) - người đàn ông bị “ăn” mòn nửa khuôn mặt.

    Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang gửi UBND tỉnh và Bộ Y tế để có chỉ đạo cụ thể tiếp theo do tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ – Phó Giám đốc thường trực ký.

    Anh Đạt là nhân vật bị bệnh lạ “ăn” mòn nửa khuôn mặt mà Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã phản ánh trong bài viết "Tận cùng đau khổ của người đàn ông bị "ăn" hết nửa khuôn mặt", đăng ngày 14/9.

    Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, sau khi nhận thông tin phản ánh về tình trạng bệnh của anh Đạt trên phương tiện truyền thông, Ban Giám đốc Sở Y tế đã cùng cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và chính quyền địa phương đến gia đình người bệnh xác minh.

    Mười một năm qua, từ khi bắt đầu bị bệnh, anh Đạt đã được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

    Trong quá trình xác minh, Sở Y tế đã nghe chị Huỳnh Thị Triều (vợ bệnh nhân Đạt) kể lại  bệnh lý và quá trình điều trị của chồng qua đó xác định bệnh sử của người bệnh.

    Vào năm 2004, anh Đạt thường bị chảy máu mũi, kèm theo chứng chảy nước mắt một cách tự nhiên.

    Sau đó người nhà có đưa bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hoà Hảo (TP.HCM). Với chẩn đoán vẹo vách ngăn mũi, bệnh nhân được chuyển đến phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM).

    Bệnh nhân xuất viện sau  một tuần nằm tại đây trong tình trạng tốt và định kỳ 3 tháng tái khám với kết quả tốt.

    Đầu năm 2005 (khoảng 1 năm sau mổ), anh Đạt uống nước thì tự nhiên nước chảy lên mũi, vợ nhìn thấy trong miệng anh có 1 lỗ to bằng đầu đũa ở vòm trên miệng.

    Vài tháng sau, lỗ này thủng ra sống mũi và ngày càng lan rộng tạo thành hố sâu trên khuôn mặt.

    Chị Triều đã đưa chồng đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh để điều trị, lúc này vết lở loét rộng hơn và có kèm theo sốt.

    Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh đã điều trị nội khoa khoảng 2 tuần thì bệnh ổn định cho xuất viện và đề nghị mổ để vá lỗ loét với chẩn đoán loét vòm khấu cái cứng. Sau mổ 10 ngày, bệnh nhân sốt lại và phần vá bị rớt ra không dính vào vị trí đã vá.

    Gia đình tiếp tục đưa anh đến điều trị tại bác sĩ Nam (không rõ địa chỉ), được khoảng 6 - 7 tháng, nhưng không hết. Sau đó, gia đình đưa anh qua Bệnh viện Pháp - Việt điều trị tiếp 1 năm.

    Tại đây, anh Đạt được bác sĩ người Pháp khám điều trị. Lúc đầu, dự định dùng hoá chất nhưng cuối cùng không chỉ định dùng hoá chất mà các bác sĩ chờ mô tế bào lành tốt để ghép khoảng trống vòm khẩu cái cứng.

    Đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang do tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ - Phó Giám đốc thường trực làm trưởng đoàn đến thăm, tìm hiểu thông tin bệnh của anh Đạt.

    Đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang do tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ - Phó Giám đốc thường trực làm trưởng đoàn đến thăm, tìm hiểu thông tin bệnh của anh Đạt.

    Sau 10 ngày phẫu thuật thì mảnh ghép vẫn không dính và rớt ra ngoài. Lúc này, điều kiện gia đình khó khăn và do thêm phần chán nản vì đã đi điều trị nhiều bệnh viện tại TP.HCM không khỏi nên gia đình đưa anh về nhà điều trị.

    Chẩn đoán đây là trường hợp bệnh Noma

    Một số tài liệu về hồ sơ bệnh lý của anh Đạt lưu trữ trong gia đình đã bị hư hỏng không xem được. Một số tài liệu còn lại ghi nhận như sau:

    Giấy ra viện của Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh ngày 19/1/2007, chẩn đoán viên đa xoang mãn tính, thoái hoá cuốn mũi.

    Trung tâm y khoa Medic chỉ định nội soi mũi xoang ngày 18/12/2007, kết luận loét gây thủng vách ngăn mũi và vòm khẩu cái cứng.

    Xét nghiệm giải phẫu tại Trung tâm Y khoa Medic ngày 19/12/2007 cho kết quả bệnh của anh Đạt là viêm vòm khẩu cái mạn tính.

    Xét nghiệm huyết học tại Trung tâm Y khoa Medic ngày 21/12/2007 ghi nhận kết quả nhiễm nấm dạng hạt men, xét nghiệm đường huyết bình thường.

    Xét nghiệm giải phẫu bệnh tại Đại học Y dược TP.HCM ngày 4/1/2008 kết luận bệnh nhân bị mô viêm mạn tính.

    Bệnh nhân tỉnh táo, nghe không rõ, phát âm không rõ, không nhìn được, đau nhức nhiều ở vùng loét, bệnh nhân chỉ ăn được chất lỏng, tiêu tiểu bình thường, đi lại khó khăn phải nhờ người dìu dắt.

    Nhận định thống nhất của các bác sĩ tham gia cùng đoàn Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chẩn đoán ban đầu đây là trường hợp bệnh Noma (Cancrum oris, Cam Tẩu Mã)

    Trên mặt bệnh nhân bị một ổ loét rất lớn rỉ nước vàng ít, không chảy máu, trên nền niêm mạc đóng vảy nâu, khi tróc da để lộ một khoảng khuyết.

    Từ đó, bệnh nhân mất đi một khối cơ xương, xương trên mặt có diện tích rộng khoảng 2/3 phần chính diện (gồm mất vùng mũi, má hai bên, 2 mắt và một phần vùng trán, xương hàm trên, một phần xương hàm dưới, 2 vành tai ngoài).

    Phần khuyết này đã lộ ra các lỗ xoang đang rỉ dịch vàng, mùi hôi ít, không chảy máu.

    Nhận định thống nhất của các bác sĩ tham gia cùng đoàn của Sở Y tế với chẩn đoán ban đầu, đây là trường hợp bệnh Noma (Cancrum oris, Cam Tẩu Mã).

    Cũng theo báo cáo này, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đưa ra cách xử trí, điều trị ban đầu là nâng cao thể trạng bệnh nhân, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sang cần thiết, máu, kháng sinh đồ… kháng sinh, giảm đau, chăm sóc vết thương hàng ngày.

    Sau đó, Sở Y tế sẽ tổ chức hội chẩn các đơn vị y tế trong tỉnh, mời các thầy thuốc chuyên môn, các đơn vị y tế ngoài tỉnh để chẩn đoán, xác định và xây dựng kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

    Cũng trong báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, đây là một trường hợp bệnh lý đặc biệt, bệnh nhân đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế, nhưng vẫn không thành công trong nhiều năm.

    Sở Y tế Tiền Giang động viên thân nhân và bệnh nhân an tâm tư tưởng để tiếp tục điều trị với sự quan tâm của ngành y tế địa phương và xã hội.

    Sở phân công Bệnh viện đa khoa huyện Cái Bè sẽ điều trị ban đầu, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để chuẩn bị hội chẩn.

    Bệnh viện Cái Bè cũng chăm sóc hàng ngày cho bệnh nhân, thực hiện thanh toán chi phí theo chế độ bảo hiểm y tế mà bệnh nhân có và hỗ trợ miễn phí các dịch vụ kỹ thuật khác cho bệnh nhân.

    Sở Y tế Tiền Giang cũng đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ an sinh cho gia đình người bệnh và vận động xã hội đóng góp vật chất hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc điều trị.

    Theo Tri thức trẻ

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] x3muQXak9u[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tin-chinh-thuc-ve-nguoi-bi-an-mon-nua-mat-o-tien-giang-a112235.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.