+Aa-
    Zalo

    Hành trình giải cứu thông dịch viên từng cứu sống ông Biden bị "bỏ quên" ở Afghanistan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông dịch viên từng hỗ trợ giải cứu ông Joe Biden, thời còn là thượng nghị sĩ Mỹ, vào năm 2008 cuối cùng cũng đã được sơ tán khỏi Afghanistan.

    Thông dịch viên bị "bỏ quên"

    Wall Street Journal thông tin sau khoảng 6 tuần, các cựu binh Mỹ và Afghansitan đã làm việc với các đồng minh tại Pakistan, tổ chức một chiến dịch bí mật để giúp đỡ ông Aman Khalili cùng gia đình rời khỏi Afghanistan.

    Chia sẻ về nỗ lực này, ông Brian Genthe, một cựu binh của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona, người đã làm việc với ông Khalili ở Afghanistan nói: "Ông ấy đã giúp tôi cùng nhiều binh sĩ Mỹ khác được an toàn trong thời gian tham chiến tại Afghanistan. Ông ấy thật sự là một người tốt".

    Được biết, lực lượng chính thực hiện kế hoạch giải cứu ông Khalili cùng gia đình là những cựu binh Arizona, người đã làm việc với ông trong vụ giải cứu 3 thượng nghị sĩ Mỹ bị mắc kẹt năm 2008. Cụ thể, vào năm 2008, ông Khalili đã tham gia vào đội cứu hộ giải cứu ông Joe Biden, khi ấy còn là thượng nghị sĩ bang Delaware, ông John Kerry, khi ấy là thượng nghị sĩ bang Massachusetts và ông Chuck Hagel, khi ấy là thượng nghị sĩ bang Nebraska. Vào thời điểm trên, chiếc máy bay trực thăng chở 3 thượng nghị sĩ đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống một thung lũng ở Afghanistan do bão tuyết. Đáng nói, đây lại là khu vực có nguy cơ bị Taliban tấn công.

    Ông Khalili đã làm việc cùng chính phủ Mỹ ngay vào năm 2001 sau khi chính phủ Taliban bị lật đổ. Ông đã tìm đường đến Sân bay Bagram - lúc đó là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan - và được thuê làm phiên dịch.

    Theo đó, ông đã dành nhiều năm trời giúp đỡ Mỹ tuy nhiên, đơn xin cấp thị thực đặc biệt của ông với tư cách người Afghanistan làm việc với quân đội Mỹ đã bị từ chối vào năm 2016. Các cựu binh Mỹ từng làm việc với ông Khalili cho biết việc này là do sự hiểu lầm của căn cứ quân sự đã thuê ông làm thông dịch viên. 

    thong dich vien afghanistan
    Ông Aman Khalili là thành viên nhóm giải cứu 3 thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có ông Joe Biden, vào năm 2008. Ảnh: WSJ

    Sau khi lực lượng cuối cùng của Mỹ rời khỏi Afghanistan, ông Khalili đã liên hệ với Wall Street Journal và trực tiếp gửi lời cầu cứu tới Tổng thống Joe Biden. Khi ấy, ông Khalili tuyệt vọng nói: "Chào ngài tổng thống, làm ơn hãy cứu tôi và gia đình tôi. Đừng bỏ quên chúng tôi ở đây".

    Ngay khi bài viết được Wall Street Journal đăng tải, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã khẳng định Mỹ sẽ làm mọi cách để giúp đỡ gia đình ông.

    Hành trình giải cứu gian nan

    Sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul và phần lớn lãnh thổ Afghanistan, ông Khalili và gia đình đã phải lẩn trốn. Theo đó, những cựu binh tham gia chiến dịch giải cứu ông cho biết họ đã phải rất vất vả để tìm được một nơi ở an toàn cho ông. Trong đó, một cựu binh giấu tên cho biết họ đã phải tốn hơn 11.000 USD để di chuyển gia đình ông Khalili đến một ngôi nhà an toàn, 900 USD mỗi một đêm ở và 11.000 USD khác để đưa gia đình ông ra sân bay vào thời điểm thích hợp.

    Amed Khan, một nhà từ thiện người Mỹ, người đã thực hiện một số hoạt động sơ tán thành công trong bảy tuần qua, cho biết ông đã tài trợ toàn bộ chi phí để đưa  ông Khalili cùng đến một ngôi nhà an toàn ở Kabul, trong khi họ cố gắng tìm kiếm kế hoạch đưa ông rời đi.

    Các cựu binh cho biết họ đã nhận được vô số lời đề nghị giúp đỡ nhưng phần lớn những kế hoạch này đã không thành công. Trong đó, trở ngại lớn nhất là vợ ông Khalili và 4 người con của ông không có hộ chiếu Afghansitan, một điều kiện Taliban yêu cầu bắt buộc phải có nếu muốn rời đi. 

    thong dich vien 1
    Ông Khalili nói chuyện với những cựu binh giúp đỡ ông từ ngôi nhà an toàn tại Kabul. Ảnh: WSJ

    Trong nhiều tuần lẩn trốn, họ đã trải qua những ngày hy vọng rồi thất vọng liên tiếp. Các kế hoạch giải cứu đã được đưa ra, sau đó bị loại bỏ. Ông Khalili càng trở nên lo lắng hơn khi có thông tin lan truyền rằng lực lượng Taliban đang lục soát các ngôi nhà trên khắp Kabul để tìm những người như ông từng làm việc với Mỹ.

    Khoảng 1 tuần sau đó, các cựu binh Arizona đã quyết định chuyển ông Khalili sang đội của cựu binh Beck và đưa ông từ Kabul đến Mazar-e Sharif. Hồi tháng trước, một chuyến bay sơ tán người dân đã cất cánh từ thành phố Mazar-e Sharif, khiến nơi thành trở thành hy vọng cho những người Afghanistan muốn rời đi. 

    Tuy nhiên, bà Rudy Atallah, giám đốc điều hành của Quỹ Nazarene, tổ chức phi lợi nhuận do ông Beck thành lập đang hoạt động để đưa mọi người rời khỏi Afghanistan, cho biết nỗ lực đưa ông Khalili ra ngoài đã bị cản trở bởi mọi thứ, từ thời tiết xấu đến việc thông dịch viên không muốn rời khỏi đất nước mà không có gia đình của mình. Bà Atallah chia sẻ: "Chúng tôi đang giúp đỡ hàng nghìn người giống như ông ấy".

    Khi nhóm của ông Beck chùn bước, các cựu chiến binh đã liên hệ với nhiều nhóm khác bao gồm Liên minh quyền con người, một nhóm phi lợi nhuận do Safi Rauf, một người Mỹ gốc Afghanistan, lãnh đạo. Nhóm này đảm bảo với các cựu chiến binh Vệ binh Quốc gia Arizona rằng họ có thể đưa ông Khalili và gia đình ông qua đường bộ tới Pakistan. 

    Dù thừa nhận việc di chuyển bằng đường bộ rất nguy hiểm nhưng vì không thể tìm được phương án nào tốt hơn, họ đã quyết định làm theo kế hoạch trên. Theo đó, các đội giải cứu ở Afghanistan đã đón ông Khalili và gia đình ở phía Bắc và lái xe 2 ngày xuyên đất nước đến biên giới phia Nam tiếp giáp Pakistan. Vào ngày 5/10, sau nhiều tuần, ông Khalili và gia đình cuối cùng đã rời khỏi Afghanistan.

    Chia sẻ về hành trình rời Afghanistan, ông Khalili cho biết: "Sau khoảng 144 giờ lái xe cả ngày lẫn đêm, vượt qua nhiều trạm kiểm soát, gia đình tôi luôn ở trong tình trạng sợ hãi nhưng giờ đây mọi thứ như một thiên đường với chúng tôi. Những gì ở Afghanistan quả thật là địa ngục".

    Minh Hạnh(Theo Wall Street Journal)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-dich-vien-tung-ho-tro-giai-cuu-tong-thong-biden-duoc-so-tan-khoi-afghanistan-a515975.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan