+Aa-
    Zalo

    Thời tiết những tháng cuối năm sẽ phức tạp và khó lường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8, thiên tai xảy ra trên cả nước ta đã làm 116 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 5000 tỷ đồng.

    (ĐSPL)- Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8, thiên tai xảy ra trên cả nước ta đã làm 116 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 5000 tỷ đồng.

    Thông tin từ Chinhphu.vn, theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương; làm sập đổ hơn 1.100 ngôi nhà, gần 14.000 ngôi nhà khác hư hỏng, gây thiệt hại hơn 200.000 ha cây nông nghiệp, hàng trăm km đê kè thủy lợi, đường giao thông...và thiệt hại khoảng 5.500 tỷ đồng.

    Theo An ninh Thủ đô, nhận định về vấn đề này, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8, mặc dù bão, lũ ít hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại ghi nhận những hình thái thời tiết cực đoan, phá kỷ lục.

    Cụ thể như, nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc và miền Trung với nền nhiệt độ lên tới 42 độ C, hạn hán khốc liệt, kéo dài ở Nam Trung bộ, mưa kỷ lục ở Quảng Ninh, giông lốc bất thường gây hậu quả lớn ở Hà Nội… Tổng thiệt hại ước tính lên tới gần 5.500 tỷ đồng.

    Chỉ tính từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm thiệt hại 5.500 tỷ đồng. (Ảnh ANTĐ)

    Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận, mặc dù thiệt hại về người không lớn, nhưng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra đã gấp 3,5 lần so với cùng kỳ nhiều năm. “Với một nền kinh tế còn nhỏ như Việt Nam thì mức thiệt hại do thiên tai gây ra như vậy là quá sức chịu đựng.

    Đáng nói, sự bất thường của thiên tai cũng như những thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ không dừng lại ở đây, chắc chắn sẽ còn gia tăng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ rệt.

    Hiện tượng cực đoan của thời tiết tác động nặng nề lên nền kinh tế, giá trị gia tăng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong 1 năm có thể sẽ không bằng mức thiệt hại do thiên tai gây ra cũng trong 1 năm”, Phó Thủ tướng nhận định.

    Thiên tai ngày càng phức tạp những tháng cuối năm

    Báo Chinhphu,vn tiếp tục đưa tin, thiên tai từ nay đến cuối năm rất phức tạp, trong khi phía Nam chịu hạn và xâm nhập mặn cao thì mưa lũ phía Bắc sẽ khó lường.

    Nhận định về tình hình các tháng cuối năm, Bản tin đặc biệt về El Nino được phát trong Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng chống bão lũ thiên tai trong giai đoạn cao điểm, được tổ chức sáng 14/9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lượng nước trên các sông, suối đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50\%, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ mùa khô năm trước cũng như trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều tình huống thiên tai cực đoan.

    Trong khi đó, diễn biến mưa lũ phía Bắc sẽ rất phức tạp. Các tỉnh trong khu vực hoàn toàn có thể đối mặt với những đợt mưa liên tiếp, dài ngày và lưu lượng lớn được đánh giá là "rất hiếm" như ở Quảng Ninh cuối tháng 7, hoặc mưa không lớn nhưng vẫn gây sạt lở, lũ quét nặng như ở Đông Bắc, Tây Bắc vừa qua.

    Vẫn còn lúng túng khi ứng phó với thiên tai

    Liên quan tới vấn đề phòng chống và ứng cứu thiên tai, An ninh Thủ đô dẫn lời của Trung tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng, mặc dù thiên tai diễn ra hàng năm nhưng hiểu biết và nhận thức của người dân còn rất giản đơn và chủ quan. Đáng nói, từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố rất ráo riết, rất “nóng”, nhưng từ cấp quận, huyện trở xuống thì “nguội”. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế.

    Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận, sự bất thường của thời tiết ngày càng làm cho chúng ta lo lắng hơn. Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt tới Việt Nam, gây ra những hình thái thời tiết cực đoan như nóng hơn, lạnh hơn, mưa lũ dồn dập trong một thời điểm, rồi lại hạn hán kéo dài.

     “Chúng ta đã xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai nhưng chúng ta vẫn lúng túng khi ứng phó sự cố thiên tai”.

    Thiên tai sẽ còn khó lường và cực đoan hơn, vì vậy mỗi ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể, quy hoạch cụ thể”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý.

    Phó Thủ tướng cũng cho hay: “Tại sao Nhật Bản là một quốc gia gánh chịu nhiều thảm họa, thiên tai nhưng thiệt hại về người và tài sản thường được hạn chế đến mức tối đa.

    Bởi do mỗi người dân Nhật Bản đều biết và hiểu rõ, trong những tình huống cụ thể thì phải ứng phó ra sao. Nếu chúng ta không đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai thì thiệt hại sẽ còn vô cùng lớn và chúng ta cũng không có cơ hội để ứng phó khi thiên tai đã ập đến”.

    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

     [mecloud]k6ZZKDBynb[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-tiet-nhung-thang-cuoi-nam-se-phuc-tap-va-kho-luong-a110685.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.