(ĐSPL) - Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống căn cứ quân sự trên các cụm đảo nhân tạo đang chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn xua tàu thuyền của mình ra biển để thị uy, đe dọa và truy đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển. Mới đây nhất, chính là cuộc rượt đuổi bằng súng AK và xuồng cao tốc đối với tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Thuận mang số hiệu BTh-96689.TS đi qua đá Châu Viên.
Xuồng cao tốc của hải quân Trung Quốc truy đuổi tàu cá ngư dân Việt Nam. |
Những ngư dân đối mặt hiểm nguy
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ngư dân Trần Quang Tài (19 tuổi, trú xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) – thuyền viên tàu cá BTh-96689.TS cho biết: “Trên ngư trường trọng điểm Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, muốn di chuyển từ đảo Phan Vinh sang đảo Đá Đông A, phải đi ngang qua đá Châu Viên. Khi tàu chúng tôi đang trên đường về đảo Đá Đông A, cách đá Châu Viên khoảng 10 hải lý thì phát hiện một xuồng cao tốc chở một tốp người Trung Quốc, trang bị vũ khí chạy ra từ Châu Viên, bất ngờ áp sát tàu của chúng tôi”.
“Đó là loại xuồng cao tốc, chạy rất nhanh. Chúng tôi nhìn rõ, trên xuồng cắm cờ Trung Quốc, có khoảng 7-8 người Trung Quốc mang áo quần rằn ri, áo phao bên ngoài màu đỏ, họ đội mũ sắt và cầm súng AK. Lúc đó, ngoài người điều khiển xuồng cao tốc thì một người trên xuồng liên tục dùng bộ đàm để liên lạc. Một người đứng ở mũi xuồng còn lại 4 người ngồi trên khoang ghế trước, tay lăm lăm súng AK hướng ánh mắt đe dọa đến phía tàu của chúng tôi”, anh Tài cho biết thêm.
Ông Trần Quang Phố (43 tuổi, trú xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận), chủ tàu cá BTh-96689.TS kể tiếp: “Xuồng cao tốc truy đuổi chúng tôi có trang bị hệ thống đèn ưu tiên nhấp nháy xanh đỏ, còi xua đuổi cùng loa phóng thanh công suất lớn. Ban đầu, mấy người trên xuồng quát tháo inh ỏi trên loa phát thanh có vẻ như muốn yêu cầu chúng tôi dừng tàu để kiểm tra. Tuy nhiên, phần vì không hiểu tiếng Trung Quốc, phần vì thời gian gần đây nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định bị dừng tàu kiểm tra rồi bị phá thiết bị và cướp đi số thủy hải sản đánh bắt được nên anh em thuyền viên động viên nhau, cố tỏ ra bàng quan ngồi trên boong tàu nói chuyện và tiếp tục hành trình mà không dừng lại”.
“Thấy vậy, tốp người trên bắt đầu cho xuồng tăng tốc, áp sát tàu chúng tôi, có lúc xuồng chỉ cách tàu chưa đầy 4m. Họ liên tục hoa chân múa tay với ý định bắt dừng tàu, những người cầm súng không ngồi yên trên khoang trước mà đứng hẳn dậy chĩa súng AK sang tàu đe dọa. Lúc này, dường như đã hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của sự việc, tôi lệnh cho các thuyền viên lùi hẳn vào trong khoang, chui xuống hầm để đảm bảo an toàn tính mạng. Bản thân tôi thì ở yên trong buồng lái cho tàu tăng tốc, chạy hết tốc lực về phía đảo Đá Đông A, nơi có bộ đội Việt Nam đang đóng chốt”, ông Phố nói tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Phố, dù tàu đã tăng tốc, cố gắng chạy nhanh khỏi Châu Viên nhưng chiếc xuồng trên vẫn không buông tha. “Tàu của ngư dân tăng hết tốc lực, họ cũng mở hết tốc lực chạy song song với tàu chúng tôi, đồng thời dùng loa hò hét, hú còi trấn áp tinh thần anh em thuyền viên trên tàu. Họ tìm cách áp mạn tàu với ý định nhảy lên tàu chúng tôi kiểm tra, nhưng tôi luôn cố gắng duy trì một khoảng cách nhất định với xuồng của họ... Chiếc xuồng cao tốc trên cứ theo chúng tôi như hình với bóng suốt gần 1 giờ, chỉ đến khi chúng tôi cách điểm đảo Đá Đông A khoảng 4 hải lý thì chiếc xuồng trên mới hạ tốc độ nhưng họ vẫn lởn vởn quanh tàu vài vòng mới chịu bỏ đi...”, thuyền trưởng Phố chia sẻ.
Dùng súng đe dọa ngư dân
Theo ngư dân Nguyễn Hữu Xạo (51 tuổi, trú Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận), thuyền viên tàu BTh-96689.TS thì trước đó, khi tàu BTh-96689.TS chạy từ Đá Đông A sang đảo Phan Vinh cũng bị tàu tuần tra của Trung Quốc chạy ra từ bãi đá Châu Viên đuổi không cho đi gần vào khu vực bãi đá. Không chỉ hú còi xua đuổi, chạy vòng quanh tốc độ cao gây sóng, binh lính Trung Quốc còn chĩa súng đe dọa. “Rút kinh nghiệm lần trước, anh em thuyền viên đã cố gắng tỏ ra bình tĩnh để xử lý tình huống một cách an toàn”, ông Xạo kể lại.
Cũng theo các ngư dân lão làng đang hoạt động đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa thì lúc đi ngang qua đá Châu Viên, họ đã nhìn thấy công trình như một căn cứ quân sự “nổi” trên biển. Trước đây, Châu Viên chỉ là một cụm các dãy đá ngầm và rạn san hô, nơi cao nhất nhô lên khỏi mặt nước cũng chỉ tầm 1-1,5m. Tuy nhiên, hiện tại, cụm đá ngầm, san hô này đã được cơi nới, bồi lấp thành một vùng rộng lớn gấp nhiều lần. Trên đó, đã xuất hiện hệ thống cơ sở hạ tầng rất hiện đại. Có thể nhìn thấy từ xa hệ thống sân bay, bến cảng, hải đăng... Trong đó, ngọn hải đăng ở Châu Viên rất cao có thể nhìn thấy từ xa, đây cũng là điểm cao nhất tại đá Châu Viên.
Cụm đảo nhân tạo này được bảo vệ bởi nhiều tàu chiến, hải cảnh. Nếu tàu thuyền không phải của Trung Quốc đi cách đảo khoảng tầm trên dưới 20km, ngay lập tức sẽ bị cảnh báo qua hệ thống thông tin sóng ngắn, pháo sáng và thậm chí còn bị các tàu xuồng lao ra đẩy đuổi, đâm va, chặn bắt. Ngoài ra, còn có một đội tàu cá bọc vỏ sắt luôn luôn túc trực quanh đảo để bảo vệ, nếu tàu cá ngư dân Việt Nam “lạc” vào đây, ngay lập tức sẽ không chỉ bị hải quân Trung Quốc xua đuổi, mà còn bị đội tàu cá bọc vỏ sắt này “gây khó dễ”...
Sáng 14/6, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: “Về vụ việc xuồng cao tốc mang cờ hiệu của Hải quân Trung Quốc truy đuổi tàu cá ngư dân Bình Thuận trên vùng biển Trường Sa, chúng tôi cũng đã nắm thông tin sơ bộ. Cụ thể sự việc như thế nào thì phải chờ báo cáo từ trung tâm Thông tin kiểm ngư. Khi có thông tin tiếp theo, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí”.
NGUYỄN HƯNG