Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng rồi cũng đến lúc cần cai sữa cho bé.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tất cả trẻ sơ sinh đều được bú sữa mẹ, hơn một triệu rưỡi trẻ em trên thế giới sẽ được cứu sống mỗi năm.
Đó là lý do Bộ Y tế khuyên các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đến sáu tháng tuổi. Sau thời gian này, trẻ vẫn nên bú mẹ bên cạnh chế độ dinh dưỡng mới cho đến ít nhất hai tuổi.
Nguyên tắc chung để cai sữa cho con là giảm thời gian bú, cho bé bú thưa dần hoặc ăn no trước khi bú.
Thường thì không có một quy định cụ thể về thời điểm quyết định cai sữa cho con. Thời điểm có thể sớm hoặc trễ tùy từng cá nhân, hoàn cảnh gia đình cụ thể. Cai sữa là một quá trình trẻ thích nghi dần dần từ việc chuyển thức ăn là sữa sang thức ăn của người lớn nên tốc độ chuyển đổi phải diễn ra chậm rãi để bé kịp thời thích nghi.
Những dấu hiệu nên cai sữa cho bé:
Bé nói được thêm nhiều chữ ngoài ‘bố’, ‘mẹ’ hay đã có thể nói được một câu ngắn: Câu nói của bé lúc này chỉ bao gồm vài từ đơn giản nhưng có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và đi thẳng vào vấn đề như: ‘Mẹ bế’, ‘Bố đi chơi’. Thời điểm này, hệ thần kinh, thính giác trẻ phát triển. Đây cũng là giai đoạn trẻ muốn khẳng định sự hiện diện của mình bằng vốn từ ít ỏi. Giai đoạn này, bạn cần bổ sung thêm nhiều thực phẩm mới để giúp thực đơn của bé thêm đa dạng. Lượng sữa ngoài bé cần bổ sung khi này khoảng 500-600ml/ngày.
Khi bé có thể nhận biết và có ấn tượng với màu sắc: Bằng cách thay đổi màu sắc đầu vú, bạn có thể cai sữa cho bé. Cách thức dân gian này chỉ hiệu quả khi bé bắt đầu phân biệt được màu sắc. Khi không còn thấy màu sắc quen thuộc của núm vú, bé sẽ dần dần ngưng bú. Bạn chỉ nên dùng những màu tự nhiên để “nhuộm” đầu vú. Chẳng hạn như dùng nghệ tạo màu vàng, củ dền để lấy màu đỏ.
Tuy nhiên, người mẹ mới là người lựa chọn thời điểm tốt nhất để cai sữa cho con. Người mẹ đừng đặt ra thời hạn cụ thể mà nên cai sữa khi cả mẹ và con đã sẵn sàng.
Cai sữa theo mong muốn và quyết định của mẹ: Khi mẹ đi làm, bé sẽ dễ quấy khóc vì không được bú mẹ, nên nhiều mẹ chọn thời gian này để cai sữa cho con và hạn chế con quá bám mẹ. Nếu cần đi làm trở lại hoặc cảm thấy thời điểm này thích hợp để cai sữa cho con, mẹ hãy tiến hành cai sữa từ từ. Việc cai sữa phụ thuộc vào độ tuổi và cách trẻ thay đổi, thích nghi. Việc này tốn nhiều thời gian để trẻ chuyển sang bú bình và tiếp nhận các nguồn dinh dưỡng từ bên ngoài. Do đó, mẹ phải bình tĩnh và kiên nhẫn để vỗ về, dỗ dành khi con khó chịu. Một số mẹ vì quá vội vàng mà áp dụng phương pháp cai sữa đột ngột. Đây là điều tuyệt đối không nên. Vì khi cai sữa theo cách này, sức khỏe của cả mẹ và bé sẽ bị ảnh hưởng.
Cai sữa theo những dấu hiệu của bé: Bé không còn hứng thú với việc bú mẹ. Nhiều trẻ có thể tự cai sữa dù không chịu bất kỳ tác động nào. Đó là khi trẻ thích các thức ăn dặm hoặc thích uống sữa bằng bình, tập uống nước và bắt đầu giảm bú mẹ. Tuy nhiên, trẻ thường tự cai sữa khi trẻ hơn 1 tuổi và có thể đến 2 tuổi.
Bé ăn được cháo và đồ ăn dặm: Nếu bé bắt đầu ăn được cháo, cơm nhão hay đồ ăn dặm thì hệ tiêu hóa đang bắt đầu hoàn thiện và phát triển hơn. Đây thường là thời điểm mà bé đang ở 1,5 - 2 tuổi. Do đó, mẹ có thể chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé và để bé dùng chung với gia đình.
Bé có thể ngồi thẳng và vận động: Lúc bé có thể tự ngồi thẳng hay chập chững tập đi, hệ thần kinh và hệ vận động của con đang phát triển hơn. Do đó, bé hoàn toàn có đủ khả năng hấp thụ các nguồn dinh dưỡng khác và sẵn sàng ngưng bú sữa mẹ.
Những cách cai sữa cho bé an toàn:
Bỏ 1 cữ bú trong ngày: Việc cắt bớt số lần vừa giúp bé thích nghi với việc bú ít hơn, vừa giúp mẹ giảm dần lượng sữa tiết ra. Do đó, mẹ có thể cắt thử 1 cữ bú và thay bằng sữa bột cho trẻ để xem trẻ phản ứng như thế nào.
Rút ngắn thời gian cho bú: Chẳng hạn, mỗi ngày bé bú khoảng từ 7 - 8 lần/ngày, mỗi lần 5 phút thì mẹ hãy rút xuống còn 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần khoảng 3 phút, rồi từ từ dừng hẳn.
Tăng cường bữa ăn dặm: Việc này không những tăng thêm các chất dinh dưỡng cho bé mà còn góp phần hạn chế tần suất bú mẹ. Để giúp bé ăn ngon miệng hơn, mẹ có thể tham khảo thêm các công thức nấu thức ăn dặm.
Hoãn bú và đánh lạc hướng trẻ: Điều này vừa giúp con dễ chịu hơn, vừa giúp tình cảm mẹ con kết nối hơn. Nếu con muốn bú vào buổi tối, mẹ hãy hoãn đợt bú đến giờ đi ngủ. Nếu con không chịu bú bằng bình sữa, trước khi đưa núm ti của bình sữa vào miệng trẻ, mẹ hãy đặt một vài giọt sữa mẹ lên môi hoặc lưỡi của trẻ.
Kết hợp cho trẻ bú thêm sữa công thức: Hiện nay có rất nhiều loại sữa, như sữa bột pha sẵn, sữa bột... Tuy nhiên, mẹ nên chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi và sở thích của con. Việc này không những giúp con có thêm nhiều chất dinh dưỡng mà còn giảm số lần con bú sữa mẹ.
Sử dụng ti giả để quên ti mẹ: Trên thị trường có rất nhiều loại ti giả, đa dạng chủng loại, màu sắc, chất liệu và trông khá giống với ti mẹ. Mẹ có thể tham khảo chọn mua cho con để đánh lừa cảm giác và hạn chế con phụ thuộc vào ti mẹ.
Ngụy trang đầu ti tạo cảm giác xa lạ: Đây là cách cai sữa cho bé đã được nhiều người thực hiện thành công. Do bé đã quen với hình dáng và màu sắc của đầu ti mẹ trong một thời gian dài nên khi làm cho đầu ti khác lạ, nhiều bé sẽ tự động tránh xa rồi dần dần bỏ được việc ti mẹ. Các cách ngụy trang đơn giản là: vẽ, bôi nghệ, bôi bột than,... lên đầu ti.
Đổi vị đầu ti: Khi vị đầu ti không còn quen thuộc như bấy lâu trẻ vẫn bú thì trẻ sẽ không còn muốn ti nữa. Thay vì cho con bú mẹ trực tiếp mẹ có thể vắt sữa cho vào bình để bé tập làm quen với bình, dần dần bé sẽ quen bình và bỏ bú mẹ.
Tránh mặt: Nếu khi cai sữa mẹ mà bé quấy khóc nhiều thì mẹ nên tạm thời tránh mặt để bé không đòi mẹ. Cách cai sữa cho bé này không được khuyến khích nhiều vì dễ làm cho bé có cảm giác sợ hãi, thiếu an toàn.
Thùy Dung(T/h)