Thủ tướng Đức Olaf Scholz là nhà lãnh đạo phương Tây mới nhất đến thăm Moscow vào ngày 15/2 (giờ địa phương) để tìm hiểu xem liệu hai hiệp định ngừng bắn cách đây 7 năm giữa Kyiv và Moscow có thể xoa dịu căng thẳng quân sự và chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine hay không.
Được Pháp và Đức làm trung gian vào năm 2014 và 2015 sau khi phe ly khai tấn công và chiếm đóng lãnh thổ ở khu vực Donbass của Ukraine, Minsk I và II đang được ca ngợi là một cách để tránh nguy cơ xung đột ở châu Âu.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin các thoả thuận này có thể là "cơ sở" cho một giải pháp giải quyết căng thẳng hiện nay.
Tổng thống Nga lặp lại lời người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron nói rằng các hiệp định là "cách duy nhất" để xây dựng hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng cho biết Washington và Kyiv nhất trí ủng hộ các thoả thuận, coi đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Nhưng những cuộc đàm phán dưới cái gọi là định dạng Normandy giữa Nga, Ukraine, Pháp, Đức đã bị đình trệ. Các nhà phân tích nói rằng các hiệp định được viết trong những điều kiện mà Kyiv coi là sự cưỡng ép và cách giải thích của Ukraine khác với Nga. Đối với Kyiv, các hiệp định này có nghĩa là khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi đó, với Moscow, chúng có nghĩa là khả năng thực hiện quyền phủ quyết đối với tương lai của Ukraine.
Nigel Gould-Davies, chuyên gia cấp cao về Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận xét: "Quy trình Minsk hiện rất khó thành hiện thực".
Các thoả thuận Minsk là gì?
Kyiv cho biết họ đã ký các thỏa thuận Minsk sau khi các lực lượng Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Donbass để hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine, gây tổn thất quân sự nặng nề cho quân đội Ukraine tại Ilovaisk vào năm 2014 và Debaltseve vào năm 2015. Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận mọi liên quan.
Được ký vào tháng 9/2014, 6 tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Minsk I là thỏa thuận ngừng bắn với 12 điểm chưa từng có. Khi ấy, Kyiv ước tính 14.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra.
Sau đó, tới tháng 2/2015, Minsk II đã đưa ra một công thức để tái hợp nhất các khu vực ly khai vào Ukraine bằng cách trao cho Moscow một số tiếng nói về chính trị Kyiv. Các nhà phê bình lưu ý rằng Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko đã ký hiệp ước này trong lúc lực lượng Kyiv đang đối mặt với thất bại.
Các điều khoản chính của Minsk II bao gồm ngừng bắn ngay lập tức và rút vũ khí hạng nặng; sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và nối lại đầy đủ các liên kết kinh tế và xã hội giữa hai bên.
Trong phạm vi OSCE theo dõi, các phần này của hiệp định đã được đáp ứng một phần.
Gây tranh cãi hơn là các điều khoản yêu cầu khôi phục quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine đối với biên giới tiếp giáp Nga; rút tất cả các đội hình vũ trang, thiết bị quân sự và lính đánh thuê của nước ngoài; và các cải cách của Ukraine sẽ mang lại một mức độ tự trị cho khu vực phía Đông Donbass.
Các vấn đề chính
Mục đích đầu tiên của thoả thuận Minsk là Ukraine mong muốn kiểm soát biên giới quốc tế của mình trước khi các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức ở các khu vực ly khai. Ngoài ra, Kyiv cũng muốn các lực lượng Nga - mà Nga đã phủ nhận có mặt ở khu vực ly khai - rời đi.
Ngược lại, Financial Time cho biết Moscow lại muốn bầu cử diễn ra trước khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát biên giới. Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ ngăn Ukraine tham gia NATO, bởi vì các nghị sĩ đắc cử từ Donbass sẽ phản đối các kế hoạch như vậy trong quốc hội Ukraine.
Ngoài ra, Kyiv có một cái nhìn khác về tình trạng tự trị của Donbass. Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine tuần trước đã nói: "Các lằn ranh đỏ của chúng tôi bao gồm không nhượng bộ về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong các biên giới được quốc tế công nhận; không có 'đối thoại trực tiếp' với các cơ quan quản lý chiếm đóng của Nga và chỉ người dân Ukraine mới có quyền xác định đường lối chính sách đối ngoại".
Trong khi đó, quyết định của Moscow trong việc cấp hơn 600.000 hộ chiếu Nga cho những người ly khai ở Donbas đã gây ra một vấn đề nữa khi hiến pháp Ukraine không cho phép người dân mang hai quốc tịch.
Vào ngày 15/2, Quốc hội Nga còn thông qua một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Putin công nhận sự độc lập của các khu vực Donetsk và Luhansk thuộc Donbas. Các quan chức phương Tây cho biết nếu sự công nhận này đồng nghĩa với "cái chết của Minsk". Khi được hỏi về giải pháp này, ông Putin nói rằng trước tiên Nga sẽ hướng tới "những khả năng chưa thực hiện được trong việc các thỏa thuận Minsk".
Liệu có con đường nào phía trước?
Theo Financial Times, dựa trên những đánh giá gần đây của Tổng thống Putin, thoả thuận Minsk khó có thể giải quyết tình hình hiện nay. Cụ thể, vào tuần trước, ông chủ Điện Kremlin nhận xét: "Mọi người có thể thấy rằng chính phủ hiện tại ở Kyiv đang chuyển sang phá hỏng các thỏa thuận Minsk. Không có sự chuyển động nào về các vấn đề chính như cải cách hiến pháp, ân xá, bầu cử địa phương và các khía cạnh pháp lý của tình trạng đặc biệt Donbass".
Trong khi đó, phía Ukraine lo ngại rằng phương Tây sẽ buộc Kyiv phải đạt một thoả thuận nhưng cho biết họ vẫn sẵn sàng thoả hiệp.
Tại Kyiv ngày 14/2, Thủ tướng Scholz cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đảm bảo với ông về việc phác thảo các dự thảo luật về tình trạng đặc biệt của Donbas, sửa đổi hiến pháp và luật bầu cho các cuộc đàm phán Minsk.
Ông Scholz nhận xét: "Ukraine đang đóng góp rất lớn để giải quyết tình hình".
Dù vậy, việc đáp ứng thỏa thuận Minsk một cách đơn giản được nhiều người Ukraine coi là sự nhượng bộ đối với hành động quân sự của Nga. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết viễn cảnh Kyiv đàm phán trực tiếp với phe ly khai, mà Tổng thống Zelensky đã loại trừ, cũng sẽ đánh dấu sự kết thúc của ông trên chính trường.
Điều đó có thể gây ra sự rạn nứt ở Ukraine. Lần cuối cùng Ukraine đưa ra những thay đổi hiến pháp vào năm 2015, các cuộc bạo loạn đã nổ ra ở thủ đô và khiến 3 quan chức an ninh thiệt mạng.
Tuy nhiên, theo cách giải thích của Ukraine, Donbass sẽ không gây ảnh hưởng đến Kyiv thông qua quốc hội.
Minh Hạnh(Theo FT)