Ngày 19/2, người đứng đầu bộ phận giảm thiểu rủi ro của Cơ quan quản lý thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), ông Orhan Tatar cho biết cơ quan này đã ghi nhận 6.040 dư chấn trong vòng 2 tuần qua kể từ trận động đất kinh hoàng ngày 6/2.
Theo trích dẫn từ phóng viên TTXVN tại châu Âu, hầu hết các dư chấn có độ lớn từ 3-4; 436 dư chấn có độ lớn 4-5; 40 dư chấn khác có độ lớn từ 5 đến 6; và đặc biệt 1 dư chấn có độ lớn 6,6. Ông Tatar cho biết thêm: “Trong thời gian bình thường, đây là số trận động đất được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 tháng”.
Quan chức này nhận định các dư chấn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, thậm chí có thể đạt độ lớn 5, và do đó cảnh báo người dân tránh xa các tòa nhà bị hư hại.
Tính đến ngày 19/2, số người chết do hậu quả của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới hơn 40.689 người và dự kiến con số này còn tăng lên nhiều hơn do vẫn còn nhiều người mất tích hoặc mắc kẹt trong các đống đổ nát. Động đất đã phá hủy khoảng 70.000 tòa nhà, 264.000 căn hộ. Thiệt hại kinh tế tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng của động đất ước lên tới 85 tỷ USD, trong đó 70,8 tỷ USD là thiệt hại đối với các tòa nhà dân sự.
Tuy nhiên tới tối 19/2, Cơ quan Quản lý thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ thông hông báo kết thúc công tác tìm kiếm và cứu hộ ở hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, ngoại trừ hai tỉnh là Hatay và Kahramanmaras.
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yunus Sezer nhận định, nước này đang phải đối mặt với thảm họa lớn nhất trong lịch sử và hậu quả của trận đất kép cũng như hàng nghìn dư chấn sau đó, không chỉ giới hạn ở 11 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng dụng một tàu hải quân thành bệnh viện dã chiến tạm thời ở cảng Iskenderun để hỗ trợ các nhân viên y tế trước áp lực y tế nặng nề mà các bệnh viện ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt, đặc biệt ở khu vực Hatay.
Cùng với quyết định ngừng tìm kiếm các nạn nhân, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu dọn dẹp các đống đổ nát và tái thiết. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuad Oktay đã tuyên bố khởi động một chiến dịch với tên gọi “Nhà của tôi cũng là nhà của bạn” nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm đang sở hữu nhiều nhà ở, tự nguyện cung cấp miễn phí cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất hoặc cho họ thuê với giá hợp lý.
Ngoài ra các nhà hảo tâm cũng có thể quyên góp ủng hộ giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi động đất trả tiền thuê nhà trong khuôn khổ chiến dịch này. Tuy nhiên, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lo lắng và không biết tới khi nào cuộc sống, thành phố có thể trở lại như trước.
Liên quan những ý kiến lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh trong khu vực, nơi hàng nghìn tòa nhà bị sập và cả sở hạ tầng vệ sinh bị hư hại, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, Fahrettin cho biết, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và các biện pháp y tế đã được thực hiện để giám sát và ngăn chặn khả năng xảy ra bệnh tật truyền nhiễm.
Thủy Tiên (T/h)