Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử các chuyên gia quân sự tới hỗ trợ chính phủ Libya, sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan thông báo binh sĩ Ankara đang di chuyển tới Tripoli.
Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty |
Ngày 6/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo Ankara sẽ cử các đội kỹ thuật và chuyên gia quân sự tới Tripoli để hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.
Ông Cavusoglu nhấn mạnh việc cử các chuyên gia, cố vấn quân sự và các đội kỹ thuật tới Libya là theo thỏa thuận hợp tác quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với GNA hồi tháng 11/2019.
Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ: "Cách thức và thời điểm diễn ra việc này sẽ do Chính phủ quyết định, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống."
Trước đó, hôm 5/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các đơn vị quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu di chuyển tới Libya nhằm hỗ trợ cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA).
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho hay trách nhiệm của binh sĩ nước này ở Libya là điều phối và hình thành một trung tâm hoạt động tại đây.
Theo ông Erdogan, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya không phải "tham chiến", mà là "ủng hộ chính phủ hợp pháp và tránh một thảm kịch nhân đạo". Ông đồng thời khẳng định Ankara sẽ không triển khai lính chiến tại Libya, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.
Kế hoạch điều quân tới Libya được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sau khi Chính phủ lâm thời tại Tripoli thông qua “Hiệp định quốc gia” chính thức yêu cầu Ankara hỗ trợ quân sự. Hiện Tổng thống Erdogan được cho là đang gia tăng các nỗ lực ngoại giao để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước kế hoạch này.
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 2/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo việc can thiệp vào Libya. Theo ông Trump, sự can thiệp của các nước bên ngoài đang làm phức tạp tình hình ở Libya, hãng tin RT cho biết.
Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc thực hiện tiến trình chuyển giao dân chủ trong bối cảnh an ninh bất ổn.
Từ năm 2014, đất nước Libya đã bị xé làm đôi dưới sự kiểm soát của hai chính phủ đối lập là GNA và chính quyền ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, chiến dịch tấn công kéo do LNA tiến hành nhiều tháng qua đã khiến ít nhất 280 thường dân và hơn 2.000 binh sỹ thiệt mạng.
Ngày 6/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ triệu tập phiên họp kín để thảo luận về tình hình Libya.
Mộc Miên(T/h)