(ĐSPL) - Nghe con gái kể việc mình bị các học sinh khác trêu chọc, miệt thị, một thiếu tá công an đã mang theo súng ngắn vào trường học hành hung bảo vệ, giáo viên và học sinh. Điều đáng buồn, những sự việc tương tự đang không còn hiếm trong môi trường giáo dục hiện nay. Nhà trường - nơi vẫn được coi là an toàn nhất, thì nay, không ít lần trở thành nơi giải quyết mâu thuẫn, “ân oán” từ trong trường, thậm chí những mối hoạ đến từ ngoài xã hội.
Phụ huynh “vác súng” vào trường giải quyết mâu thuẫn của con(?!)
Sáng 9/3/2016, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Võ Thanh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết, ông vừa yêu cầu Trưởng Công an huyện Đức Cơ vào cuộc xác minh và có hình thức xử lý đối với Thiếu tá Trần Vũ Khiêm, Trưởng Công an xã Ia Dơk về việc vào trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) đánh bị thương bảo vệ, đe dọa giáo viên, học sinh, gây náo loạn trường học.
Ông Huỳnh Cân – Chánh văn phòng UBND huyện Đức Cơ cũng thông tin: “UBND huyện vừa gửi công văn cho Trưởng Công an huyện Đức Cơ yêu cầu xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Về việc Thiếu tá Khiêm có sử dụng súng trong vụ việc trên hay không, UBND huyện cũng có công văn đề nghị Công an tỉnh Gia Lai vào cuộc làm rõ. Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, trong thời gian từ 1 đến 2 tuần, vụ việc này phải xác minh, làm rõ.
Bên cạnh đó, Đại tá Lê Đức Đạo, Trưởng Công an huyện Đức Cơ xác nhận với PV, lãnh đạo Công an huyện Đức Cơ đã tiến hành kiểm điểm Thiếu tá Khiêm. Công an huyện cũng đã có báo cáo gửi Công an tỉnh Gia Lai và UBND huyện Đức Cơ. “Việc làm của Thiếu tá Khiêm là không được”, Đại tá Đạo chia sẻ với PV.
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 9/3, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hồng – Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung. Mở đầu buổi làm việc, bà Hồng chia sẻ sự việc xảy ra quá bất ngờ và ngoài tầm kiểm soát của Ban giám hiệu nhà trường. Thông tin với PV về trường hợp 2 em học sinh liên quan đến vụ việc này là L. và Q., bà Hồng cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, ngày hôm sau cả hai em đều nghỉ học. Theo báo cáo của cô giáo chủ nhiệm thì em L. có học lực trung bình, hạnh kiểm tốt, trong khi đó em Q. có học lực khá, hạnh kiểm tốt. Từ đầu năm học đến giờ, cô giáo chủ nhiệm báo là hai em không có mâu thuẫn gì và em L. cũng không có báo cáo gì với cô giáo về việc bị em Q. trêu chọc, miệt thị”.
Được sự giới thiệu của bà Hồng, PV có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Đức Nam, bảo vệ nhà trường – người “chạm trán” đầu tiên với Thiếu tá Khiêm. Kể lại sự việc, anh Nam thông tin, vào cuối giờ chiều 2/3, anh thấy một số học sinh đang nhốn nháo tại khu vực trước cổng trường nên đi ra xem. Khi bước ra, anh thấy Thiếu tá Khiêm đang nhờ một số em học sinh lớp 8B vào trường kêu em Q. ra cho ông gặp. Khi biết sự việc, anh liền hỏi Thiếu tá Khiêm là tìm em Q. có việc gì thì ông này nói thẳng là “đập cái thằng lếu láo”. Nhận thấy sự việc có vẻ nghiêm trọng, anh Nam đóng cổng trường và chạy vào báo cô Lê Thị Hoài Hương (Hiệu phó nhà trường). Lúc này, cô Hương cũng đang dạy môn Toán tại lớp 8B.
Khi anh Nam đang báo cáo sự việc thì Thiếu tá Khiêm mở cổng trường rồi chạy về lớp 8B và la làng: “Thằng Q. đâu rồi. Mày ra đây để ông đánh mày. Thằng lếu láo này”. Thấy Thiếu tá Khiêm tức giận, anh Nam nhẹ nhàng mời ông này vào văn phòng Ban giám hiệu làm việc nhưng ông này không chịu mà cứ chửi bới. Ngay sau đó, cô Hương cũng ra mời Thiếu tá Khiêm về phòng Ban giám hiệu để trao đổi. Tuy nhiên, bất ngờ ông này văng tục: “Đ.M. chúng mày muốn chết à”. Liền sau đó, ông Khiêm rút khẩu súng ngắn trong người ra rồi dùng báng súng đánh mạnh vào đầu anh Nam khiến anh bị chảy máu đầu, choáng váng, gục xuống đất bất tỉnh. Đánh anh Nam xong, Thiếu tá Khiêm liền chửi cô Hương.
Cũng theo lời bà Hồng, sau khi thấy bà cùng nhiều giáo viên khác đến, vị này mới về phòng Ban giám hiệu để làm việc. “Tại đây, qua tìm hiểu các bên, tôi mới nắm được sự việc là vào ngày 29/1, trong tiết học môn Giáo dục công dân, thấy L. nói chuyện riêng, Q. là lớp trưởng nên nhắc nhở. Tuy nhiên, L. lại dùng tay đánh Q.. Thấy vậy, Q. quay lại đánh L.. Phát hiện sự việc, cô giáo chủ nhiệm lớp 8B là cô Nguyễn Thanh Quyên gọi Q. lên trình bày sự việc. Thấy Q. sai nên đã phạt Q. đứng lớp. Sự việc chỉ có vậy, ai ngờ Thiếu tá Khiêm lại đến trường có hành động đáng sợ đến thế”, bà Hồng nói.
Trường Quang Trung - nơi xảy ra sự việc. |
Bạo lực không thể giải quyết bằng bạo lực
Sự việc xảy ra tại Gia Lai một lần nữa khiến dư luận bất an. Nhà trường – nơi vẫn được coi là an toàn nhất, thì nay, không ít lần trở thành nơi giải quyết mâu thuẫn, mâu thuẫn từ trong trường, thậm chí mâu thuẫn đưa đến từ ngoài xã hội. Những dẫn chứng về hành vi bạo lực giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô và cả phụ huynh với học sinh hay giáo viên... đang khiến ngành giáo dục nhức nhối.
Còn nhớ cách đây không lâu, vào cuối tháng 10/2015, một học sinh lớp 8 tại Long An đã bị anh trai của bạn đánh chấn thương sọ não. Sự việc cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn của hai em M. và K.. Do bị K. đánh đau, M. đã về nói với anh trai tìm cách trả thù. Kết cục, từ một mâu thuẫn nhỏ trong trường học, một em chỉ mới 13 tuổi đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Anh trai của nạn nhân bị rơi vào vòng lao lý.
Một trường hợp đau lòng khác xảy ra tại Đồng Nai, chỉ vì mâu thuẫn, một thanh niên đã mặc đồng phục giả học sinh để vào trường gây sự. Sau khi dùng chai thủy tinh đánh một em học sinh lớp 9 và bị các học sinh trong trường quây, thanh niên này liền bỏ chạy. Bị đuổi theo, thanh niên này bị đạp té vào cột trường ngất xỉu. Dù đã được đưa đi cấp cứu sau đó nhưng thanh niên này đã tử vong.
Những câu chuyện đau lòng liên quan đến bạo lực học đường mà nạn nhân hay đối tượng gây ra bạo lực chính là các em học sinh không phải chuyện hiếm. Thi thoảng, dư luận lại xôn xao cảnh “tung chưởng” của các em. Thậm chí, bạo lực học đường còn gây ra bởi chính các nữ sinh. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Nguyễn Ngọc Phú, Tổng thư ký hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Việc phụ huynh hay chính các em giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực là không đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội. Các em là một chuyện nhưng chính người trong cuộc như phụ huynh, thầy cô giáo không nắm được cách giải quyết. Hành vi bạo lực là xấu, lại được giải quyết bằng bạo lực là rất phi giáo dục. Theo tôi, đó là lỗi của cả nhà trường, của cả giáo viên...”.
Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục – Đại học (bộ GD&ĐT) thẳng thắn: “Theo tôi, việc phụ huynh, người thân các em vào trường học để giải quyết mâu thuẫn không đơn thuần là vấn đề của giáo dục mà còn là vấn đề xã hội. Tại sao phụ huynh lại có thể có tâm lý, hành động bạo hành tàn bạo như thế? Thực ra, các em dù cấp 2 hay cấp 3 vẫn là học sinh phổ thông, vẫn là trẻ con nên dù là trường học hay gặp chuyện ngoài đời, các em vẫn tìm đến bố mẹ như một địa chỉ tin cậy. Cái chính là cách hành xử của người lớn mà thôi”.
Các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh, nguyên tắc là không giải quyết bạo lực bằng bạo lực. Thầy cô, bạn bè ở trường các em đã không chia sẻ mà tìm về với bố mẹ. Thay vì dọa nạt hoặc xông vào trường làm ầm ĩ, phụ huynh nên trao đổi với gia đình bạn kia, với phụ huynh các em bằng tinh thần cầu thị để giải quyết ổn thoả các mâu thuẫn.
Thiếu tá Khiêm: “Chỉ là cái bật lửa hình khẩu súng!” Liên quan đến sự việc xảy ra tại trường THCS Quang Trung, trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thiếu tá Trần Vũ Khiêm thừa nhận: “Sau sự việc, tôi đã biết lỗi và thấy rất hối hận. Sau đó, tôi đã đến gặp Ban giám hiệu trường THCS Quang Trung, bảo vệ Nam và gia đình em Q. để xin lỗi, bồi thường chi phí thuốc men. Về vật cứng mà tôi dùng để đánh bảo vệ Nam và gí vào đầu em Q. chỉ là cái bật lửa hình khẩu súng. Việc xảy ra là do tôi có uống rượu và tức giận việc con gái thường xuyên bị trêu chọc, miệt thị”. |
T. NGA – H. NAM – H.MAI
[mecloud]dB4ODjbYlH[/mecloud]