Theo Sohu, Lý Băng (17 tuổi) là một đứa trẻ rất ham học, ngay từ khi bắt đầu học cấp 3 đã tự đặt mục tiêu phải đỗ vào trường đại học danh giá. Cậu bé chăm chỉ dậy sớm thức khuya để đọc sách, thường tới nửa đêm mới nghỉ ngơi. Lý Băng thậm chí còn thường bỏ ăn bữa sáng để có nhiều thời gian đọc sách hơn.
Chưa đầy nửa năm sau, cơ thể Lý Băng bắt đầu xuất hiện vấn đề nhưng cả nam sinh 17 tuổi và bố mẹ đều không chú ý tới. Mỗi lần bị đau bụng, Lý Băng đều âm thầm chịu đựng nhưng cơn đau không giảm đi mà ngày càng nghiêm trọng theo thời gian.
Lúc này, bố mẹ Lý Băng cũng nhận ra sự khác thường của con trai vì Lý băng đã sút cân rất nhiều, nước da xấu đi rõ rệt. Sau khi nghe con kể về tình trạng bất thường, bố mẹ Lý Băng vô cùng hoảng sợ, lập tức đưa cậu đến bệnh viện thăm khám.
Qua kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán Lý Băng bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Đặc biệt, ở giai đoạn này, Lý Băng cũng không thể làm phẫu thuật được nữa. Bố mẹ thiếu niên 17 tuổi không khỏi choáng váng khi biết kết quả, không thể chấp nhận rằng con trai mắc ung thư khi còn nhỏ như vậy.
“Tôi nghĩ chỉ là con học hành chăm chỉ là được nên nhất thời không chú ý. Không ngờ, khi bác sĩ khám lại nói rằng Lý Băng bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối!”, cha của Lý băng nghẹn ngào nói.
Trong khi đó, mẹ của cậu lại thắc mắc: “Tôi cũng không hiểu tại sao con chỉ không ăn bữa sáng thôi, hai bữa còn lại cháu ăn rất tốt, tại sao lại nghiêm trọng như vậy?”.
Trước thắc mắc của người mẹ, Wang Hui – Giám đốc khoa Tiêu hóa phụ trách chẩn đoán tình trạng của Lý Băng chia sẻ: “Trên thực tế, hiện nay rất nhiều người trẻ mắc bệnh về dạ dày, và cũng không ít người mắc bệnh ung thư dạ dày.
Nguyên nhân là do thói quen làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi không khoa học trong thời gian dài. Một số thanh niên cũng uống rượu, ăn đồ ăn nhanh thường xuyên. Có thể nói bữa sáng chỉ là một trong những lý do nhưng đối với học sinh ở lứa tuổi này thì không thể bỏ bữa sáng được”.
Trên thực tế, việc không ăn sáng đúng giờ hoặc bỏ bữa sáng sẽ ảnh hướng tới quá trình phát triển chiều cao của trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tác động không tốt tới sự phát triển tâm lý và chỉ số IQ.
Không chỉ với trẻ em, nhịn ăn sáng thường xuyên cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người lớn.
Gây hại cho tim mạch
Bỏ ăn sáng có thể gia tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch mãn tính, trong đó có đột quỵ. Theo nghiên cứu, những người bỏ bữa sáng tăng 27% nguy cơ kéo dài cơn đau tim so với những người ăn sáng đầy đủ.
Nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, người hay nhịn ăn sáng dễ có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn so với những người ăn sáng đầy đủ.
Viêm loét dạ dày
Dạ dày luôn phải co bóp khi trống rỗng, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, dần dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày. Thêm vào đó, khi ruột rỗng thì các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài, lâu dần cũng sẽ kết lại thành sỏi.
Nguy cơ béo phì
Do buổi sáng không ăn nên chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn vào buổi trưa và buổi tối để bổ sung đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Việc này khiến thức ăn không kịp tiêu hóa hết, dẫn đến nhiệt lượng ngày càng tăng, lượng mỡ tích tụ ngày càng nhiều, nguy cơ gây béo phì.
Rụng tóc
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng trong ngày và có vai trò thúc đẩy chân tóc mọc thêm. Nếu muốn có một mái tóc khỏe mạnh, không gãy rụng thì bạn nên đảm bảo ăn bữa sáng giàu protein mỗi ngày.
Kết sỏi ở mật
Khi bạn không ăn sáng, mật không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Tình trạng này kéo dài, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi mật.
Đinh Kim(T/h)