(ĐSPL) - Các trường đại học (ĐH) thuộc hàng “top” như Y, Ngoại thương... phải xét tuyển bổ sung vì chưa đủ chỉ tiêu. Chuyện này được xem là xưa nay hiếm. Các trường ở tốp giữa ở các tỉnh cũng không ngoại lệ. Nhiều trường phải xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu.
Dư luận lo ngại, liệu các trường có “vơ bèo, vạt tép” để đủ chỉ tiêu và xảy ra nghịch cảnh thí sinh điểm cao trượt, điểm thấp lại đỗ?
Trường top giảm điểm chuẩn để… “hút” thí sinh
Theo tìm hiểu của PV, những trường top trên tại TP.HCM năm nay cũng phải xét tuyển bổ sung mới đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Đó là trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên...
Theo thông tin từ trường ĐH Y dược TP.HCM, kỳ tuyển sinh năm nay, trường bổ sung thêm 402 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo. Trong đó, ngành Dược có chỉ tiêu bổ sung cao nhất, với 102 chỉ tiêu, điểm xét tuyển là 23,5 điểm. Ngành có điểm xét tuyển bổ sung thấp nhất là điều dưỡng (hộ sinh), ngành có điểm xét tuyển cao nhất là Răng – Hàm – Mặt, 24 điểm, còn lại điểm bình quân cho việc xét tuyển bổ sung chỉ tiêu là 20 điểm. Còn, đại học Ngân hàng TP.HCM xét tuyển thêm 350 chỉ tiêu, với điểm nhận hồ sơ là 17. Đại học Kiến trúc bổ sung 150 chỉ tiêu với điểm nhận hồ sơ là 18.
Trao đổi với PV, TS. Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển sinh được 80\% chỉ tiêu tuyển sinh. Tới đây, trường sẽ xét tuyển bổ sung thêm 310 chỉ tiêu nữa cho đủ. Tuy nhiên, không vì chuyện thiếu chỉ tiêu, mà trường xét tuyển bổ sung đại trà như các trường đại học khác trên địa bàn. Thay vào đó, trường sẽ xét tuyển bổ sung thí sinh học ngành chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh với điểm nhận hồ sơ dao động từ 19 - 21,25 điểm, tùy từng ngành...
Thông tin tại ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, có 65\% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 đã đến trường xác nhận nhập học. Và, còn 35\% số lượng thí sinh sẽ được xét tuyển bổ sung tương đương 550 chỉ tiêu, cho 12 ngành học tại trường. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm xét tuyển thêm 660 chỉ tiêu tuyển sinh của trường cho 17 ngành học. Trong đó có 460 chỉ tiêu cho bậc đại học và 200 chỉ tiêu cho bậc cao đẳng. Còn trường ĐH Tài chính –Marketing, nhà trường thông báo cần xét tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu bậc đại học. Mức nhận điểm sàn khá sâu như ngành Bất động sản và ngành Hệ thống thông tin quản lý là 15, 16 điểm, các ngành khác 16 điểm. So với điểm chuẩn nhận hồ sơ ban đầu, điểm chuẩn giảm từ 3,5 đến 5,75 điểm.
Nhiều cơ hội cho thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Ảnh: TTXVN. |
Về ý kiến lo ngại liệu các trường có đủ nguồn tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) nhận định: “Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27”.
Theo bà Phụng, năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia của 120 cụm thi (bao gồm 70 cụm thi đại học, do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD&ĐT và cục Nhà trường chủ trì) đều được công bố công khai. Tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.
Nghịch cảnh điểm cao trượt, điểm thấp lại đỗ?
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, thí sinh Nguyễn Đức Hải (Yên Phong, Bắc Ninh) tỏ vẻ tiếc nuối khi đọc thông báo trường ĐH Thương mại xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu. “Mình đăng ký ngành Thương mại điện tử và ngành Kinh tế của trường. Cả hai ngành này khối A lấy điểm chuẩn 23 điểm. Mình bị thiếu 0,5 điểm. Giờ cả 2 ngành đó đều thiếu hàng trăm chỉ tiêu và có thể sẽ lấy điểm xét tuyển bổ sung thấp đi. Thế nhưng, mình lại không có cơ hội vì đã nộp giấy chứng nhận kết quả vào trường khác để nhập học rồi”.
Theo Hải, xét tuyển theo cách này sẽ có nghịch cảnh, điểm cao thì rớt, mà điểm thấp có khi lại được. Theo tìm hiểu của PV, trường ĐH Thương mại xét tuyển bổ sung 12 ngành/chuyên ngành đào tạo với số lượng đến 1.450 chỉ tiêu. Không chỉ có ĐH Thương mại, ĐH Mỏ -Địa chất cũng thiếu hơn 2.000 chỉ tiêu ở cả hai hệ ĐH và CĐ.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Nguyễn Thi Phương, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Truyền thông, ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “Về cơ bản, tất cả các ngành đều đã hạ điểm rồi. Một số ngành như ngành Cơ điện, ngành Công nghệ Thông tin, ngành Kế toán còn chỉ tiêu nhưng không nhiều (vài chục chỉ tiêu), trường đã hạ xuống điểm sàn để các em tiếp tục đăng ký vào. Với các ngành khác, điểm chuẩn đợt 1 đã bằng điểm sàn rồi thì không thể hạ nữa”.
“Với các ngành còn ít chỉ tiêu, tôi nghĩ dưới 17 điểm, các em không nên đăng ký. Vì theo tôi thống kê sơ bộ, qua hai ngày nộp xét tuyển bổ sung, các em tầm 18, 19 điểm cũng có số lượng nhất định. Quan điểm của trường, điểm xét tuyển vào có thể hạ xuống nhưng không lấy điểm chuẩn hạ quá sâu với các ngành này. Trong khi các ngành khác, số lượng sinh viên lại ít. Với các ngành mà điểm chuẩn trúng tuyển đã ở mức điểm sàn, thì không thể hạ được nữa”, TS. Phương nói.
Trả lời câu hỏi của PV, liệu trường có lo lắng về việc tuyển không đủ chỉ tiêu, ông Phương cho rằng: “Nếu phải hạ để tuyển đủ thí sinh, hạ đến mức thí sinh quá kém vào trường, học một năm các em không theo được để bị đuổi, theo quan điểm của tôi đấy là việc không nên. Không phải cố mà được, đặc biệt là để đảm bảo chất lượng đào tạo nhiều khi chất lượng và số lượng lại mâu thuẫn với nhau”.
“Việc làm sao để tuyển đủ thí sinh không phải là áp lực quá lớn với trường. Nhiều người quan niệm, một trường ĐH phải tự chủ mà nhiều người cho rằng tự chủ đầu tiên bằng kinh tế. Còn tôi, tôi lại quan niệm tự chủ kinh tế là khâu cuối cùng. Quan trọng nhất là phải đảm bảo tự chủ về chất lượng đào tạo, cứ chạy theo số lượng sẽ rất nguy hiểm”, vị này nhấn mạnh.
Số “ảo” có thể nằm ngay trong chỉ tiêu tuyển sinh
Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh: “Hiện nay, chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất la năng lực đào tạo tối đa, mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ơ mức chấp nhận được theo quy định. Chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội, nên người học chưa mặn mà. Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xa hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước. Thế nên, so với thực tế, sô “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
ĐỖ THƠM - LÀNH NGUYỄN
[mecloud]fFK4icei6p[/mecloud]