(ĐSPL) - Ngày 1/5/2015, báo ĐS&PL đăng bài Người dân “chết đứng” vì sổ đỏ biến thành giấy vụn, phản ánh nỗi khổ cùng cực của người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên từ năm 2006 khi có đường dây 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên đi qua. Nỗi đau khổ của người dân Đại Từ lên đến đỉnh điểm khi được chính quyền huyện Đại Từ tuyên bố, sổ đỏ đất thổ cư của họ không còn giá trị làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của người dân, đẩy họ đến cảnh vô gia cư, “chết đứng” lần thứ hai.
Sớm 16/7, có nhiều người dân huyện Đại Từ trong tâm trạng lo lắng, đến toà soạn báo ĐS&PL kêu cứu: “Chúng tôi gồm hơn 88 hộ dân (HKTT tại 9 xã: Yên Lãng, Phú Xuyên, Phú Thịnh, Bản Ngoại, Tiên Hội, thị trấn Hùng Sơn, Bình Thuận, Đại Từ, Tân Thái thuộc địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có đất ở và nhà nằm dưới gầm đường điện cao áp 220KV Tuyên Quang- Thái Nguyên.
Sổ đỏ đất thổ cư không còn giá trị làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của người dân. |
Đất và nhà ở của chúng tôi đều được UBND huyện Đại Từ cấp sổ đỏ từ năm 1993 trở về trước. Năm 2006, dự án đường điện cao áp đi qua đất và nhà ở của chúng tôi, các hộ dân bị nhiễm điện nặng, nhiều hộ phải bỏ nhà hoang, vì không còn đủ đất để làm nhà ở”.
Theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, thì dự án này được áp dụng cơ chế đặc thù “đền bù” và “thoả thuận”. Thế nhưng, các hộ dân Đại Từ không có hộ nào được “đền bù” và “thoả thuận”, mà chỉ được hỗ trợ một phần đất và tài sản.
Trong buổi đối thoại với gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình, ông Trần Văn Mỳ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ còn hùng hồn tuyên bố: “Tới đây, huyện Đại Từ sẽ đưa giấy mời tất cả các hộ dân thuộc 9 xã dưới gầm đường điện mang bìa đỏ đến chỉnh lý từ đất thổ cư thành đất nông nghiệp. Nếu hộ nào không chấp nhận, ông Chủ tịch UBND huyện Đại Từ sẽ ra quyết định hủy sổ đỏ của những hộ đó?!”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Bình bức xúc: “Tổng diện tích đất thổ cư của chúng tôi bị thu hồi và giao cho dự án khoảng 520.000m2, trị giá khoảng 200 - 300 tỉ đồng. Nhưng hiện nay, diện tích đất thổ cư của chúng tôi trở thành đất nông nghiệp, mức độ thiệt hại là quá lớn. Ví dụ gia đình tôi có 441,9m2 , giá đất thị trường là 4 triệu đồng/m2, tính ra mảnh đất trị giá gần 1,7 tỉ đồng, chỉ được hỗ trợ 502 triệu đồng (trong đó hỗ trợ về đất 210 triệu đồng, còn lại là tài sản)”.
Trường hợp nhà bà Vân ở xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận có 308m2 đất thổ cư mặt đường lớn liên huyện, giá thị trường khoảng 7 triệu đồng/m2, hơn 2,1 tỉ đồng nhưng chỉ được hỗ trợ 260 triệu đồng (cả đất và tài sản)...
Báo ĐS&PL đề nghị chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần có những động thái tích cực, tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến của người dân, đưa ra được những quyết sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân và của Nhà nước.
THIÊN LONG
Video đang được quan tâm:
[mecloud]sXRmaFyHse[/mecloud]