(ĐSPL) - Bước ra từ số phận cùng cực, sư thầy Thích Thiện Nhơn đã dành cả cuộc đời tu tập để nuôi dạy gần 40 trẻ em không nơi nương tựa và chăm sóc những người già neo đơn, đau yếu bệnh tật...
Đồng cảm vì gia đình khốn khó
Ngôi chùa Pháp Bình nằm sâu trong con hẻm nhỏ của ấp 5, xã Hưng Long (huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nhiều năm qua, chùa vẫn đang trong quá trình hoàn thành nên khá sập sệ. Nơi đây chỉ rộng chừng 200m2 nhưng là mái nhà chung của hơn 30 trẻ em lang thang cơ nhỡ và gần 10 bệnh nhân tâm thần, người già cả neo đơn. Vừa bước qua cổng chùa, chúng tôi đã nghe rõ những tiếng bi bô của đàn trẻ đang vui đùa. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp sư trụ trì, một chú tiểu cho hay: "Sư thầy đang nấu ăn, xin đợi một lát...".
Nửa tiếng sau, chúng tôi được diện kiến thiền sư Thích Thiện Nhơn (SN 1935), trụ trì chùa Pháp Bình. Theo lời thầy Nhơn, chùa Pháp Bình do chính tay thầy cất lên từ năm 1991 với ý định ban đầu là cất chùa ở nơi yên tĩnh để tu hành sau sẽ là nơi nuôi dưỡng, giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh neo đơn, cơ nhỡ như chính cuộc đời xưa kia thầy từng trải qua.
Sư thầy Thích Thiện Nhơn. |
Thầy kể lại: "Tuổi nhỏ của tôi đầy dữ dội và bất hạnh. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cha mẹ tôi vì kế sinh nhai nên luôn cãi vã. Anh em chúng tôi thường phải mót rau, mót củ dại để lấp bụng. Vì thế, tôi hiểu và cảm nhận được cái khổ của cảnh nghèo, thấu hiểu cảnh đến bữa mà nồi niêu còn trống trơn, bếp than còn nguội lạnh. Khi lớn lên, tôi chỉ ấp ủ một điều là làm sao để giúp được nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi bớt đi sự khổ cực ở đời...".
Trăn trở trước những cảnh đời bất hạnh, năm 1960, ông quyết định xuất gia và tu tập ở khắp nơi. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một người ở ấp 5 tiến cúng một miếng đất để thầy cất chùa và an tâm tu hạnh. Từ đó tới nay, thầy lấy chùa làm nơi thực hiện tâm nguyện của mình: Giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ và những cảnh đời bất hạnh. Giờ đây, dù đã xấp xỉ 80 tuổi nhưng sư thầy Thích Thiện Nhơn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh để bao bọc cho gần 30 số phận đang nương tựa tại chùa.
Lý giải điều này, thầy bảo: "Hàng chục đứa trẻ này thiếu thốn tình cảm nồng ấm của cha mẹ từ tấm bé. Có đứa chưa bao giờ biết mặt cha mẹ. ở đây, có hai trường hợp khá thương tâm. Một là hai anh em ruột mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác rồi bỏ con lại chùa nhờ thầy chăm nuôi. Còn trường hợp khác là hai anh em Trần Thanh Danh (lớp 3) và cô bé Trần Ngọc Trâm (lớp 2) được thầy chăm nuôi từ năm 2008. Cha của hai em suốt ngày mê sảng trong men rượu, người mẹ không chịu nổi đã bỏ nhà đi theo người khác, cũng bỏ lại hai anh em cho thầy nuôi.
Những bệnh nhân đặc biệt
Sư thầy Thích Thiện Nhơn chia sẻ, những đứa trẻ nơi đây đều phát triển bình thường. Đáng lo ngại nhất là những người già vì họ đều mang trong mình nhiều bệnh tật. Thầy bảo: "Bình thường thì không có chuyện gì, lúc khoẻ mạnh họ còn nhảy múa hát ca, nhưng khi phát bệnh, trông họ rất dữ, ném phá đồ đạc, rủa xả liên hồi. Những lúc ấy phải kiên nhẫn, lấy trái tim của tình thân mà đối xử với họ. Mỗi lần họ phát bệnh khổ tâm lắm con à...".
Thầy Nhơn đang chăm một cụ bà bị bệnh. |
Chia sẻ về những trường hợp tìm đến nhận xin con nuôi, thầy bảo: "Cũng có nhiều người đến xin nhận nuôi, vì họ biết điều kiện nhà chùa nghèo sợ không kham nổi. Nhưng sống với nhau một ngày cũng nên tình, tôi không nỡ để tụi nó ra đi. Hơn nữa, quan trọng là tụi nhỏ ở đây quen rồi, nên sướng khổ cũng muốn ở với thầy. Với bọn trẻ, tôi vừa là thầy, là ông, cũng là cha là mẹ. ốm đau bệnh tật vui buồn của tụi nó, tôi đều nắm bắt từng đứa một để chăm lo cho chúng. Tuy nhiên, khi bọn trẻ đến tuổi trưởng thành, khoảng 15 - 17 tuổi, nếu có người muốn nhận đỡ đầu giúp đỡ, tôi sẽ cho họ nhận".
Theo lời thầy, những đứa trẻ được nuôi ở đây, cũng có đứa đến tuổi trưởng thành, sau khi được học hành tử tế, muốn theo thầy tu tập để hành đạo giúp đời. Có đứa ở với thầy đủ khôn lớn rồi lập gia đình. Thầy bảo: "Tùy vào suy nghĩ và định hướng của tụi nó. Tôi không áp đặt đứa nào cả. Lớn lên, mỗi đứa có một hướng đi cho riêng mình, tùy vào suy nghĩ, tự do của chúng nó. Tôi nuôi tụi nó đến tuổi trưởng thành coi như mình cũng thoải mái lương tâm rồi. Nhưng cũng có đứa sau khi đã lập nghiệp, gia đình gặp khó khăn quay lại nhờ tôi giúp đỡ, tôi vẫn sẵn sàng. Vì tụi nó coi tôi như cha, như mẹ rồi...".
Mâm cơm đặc biệt từ những thứ người đời vứt bỏ
Khi chúng tôi phân vân về việc sư thầy đích thân nấu ăn cho những con người nơi đây, thầy cười và bảo: "Hàng ngày, ngoài tụng kinh niệm Phật, tôi còn phải lo khất thực, làm việc để trang trải cho tụi nhỏ và những bệnh nhân tâm thần. Những đứa trẻ đang tuổi học hành được đến trường học văn hóa, tôi cũng lo tiền học phí và tiền trường cho chúng. Chuyện cơm nước thường ngày của bọn trẻ và những người bị bệnh tật, thầy đi hành khất và trông cậy vào những tấm lòng hảo tâm. Chùa nhỏ, không đông người, nên chúng tôi mỗi người cố gắng một chút để cùng lo cuộc sống chung".
Tìm hiểu thực tế, mỗi bữa ăn thầy làm đều có từ 3 - 4 món chay, nhưng nếu biết nguồn gốc của nó thì có lẽ ai cũng phải chảy nước mắt. Bởi, các món ăn thầy nấu đều lấy từ những thứ người đời vứt bỏ, thầy xin về chế biến lại. Chúng tôi được thầy mời ăn, rồi thầy giải thích cặn kẽ từng món ăn một: "Món con (PV) đang ăn chính là ruột trái khổ qua người ta thường mua về đem chẻ lấy phần ngoài nấu canh thịt bò, thịt heo, hay làm khổ qua nhồi thịt gì đấy, tôi xin cái phần hạt người ta vứt đi, đem về rửa sạch xào sả ớt. Con ăn thấy ngon không? Còn món mềm mềm này, là phần ruột của thân cây cải đấy. Người ta đem cắt bỏ phần thân cây, chỉ lấy phần lá non để ăn, tôi xin phần thân về, lột bỏ phần vỏ, giữ lại phần ruột để nấu canh hay làm món xào. Mấy "đứa con" của tôi, đứa nào ăn cũng khen ngon cả...", nói xong, thầy cười mà mắt tôi thấy rưng rưng.
Nghe vị sư già tâm sự mà lòng chúng tôi nghẹn đắng. Hoá ra, trên cái bàn ăn này, các món đều là "phần bỏ đi" của người đời. Thế nhưng khi được vị sư già này chế biến, nó lại trở nên vô cùng hấp dẫn, đẹp đẽ và đáng quý biết bao...
Mong lắm những tấm lòng cao cả "Những công việc tui đang làm thì nhiều nơi, nhiều người cũng đã làm, tôi chỉ như một giọt nước góp vào giữa những biển nước mênh mông thôi. Nhưng bây giờ, sức tôi đã yếu hơi đã kiệt, mong rằng, khi tôi khuất đi, sẽ có người thay tôi trông nom chăm sóc cho bọn nhỏ và những người tâm thần. Hy vọng chúng sẽ không phải lang thang cơ nhỡ như trước khi chúng đến với tôi xưa kia. Tôi giờ gần đất xa trời, chỉ cầu xin sẽ có nhiều người giang rộng vòng tay đón nhận chúng với lòng từ tâm", thầy Nhơn ngậm ngùi lo lắng. |