Dự án Khu khách sạn nhà nghỉ nằm ngay mặt biển Cửa Lò được giao cho CTCP du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2006. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 78 tỷ đồng, song bị chậm tiến độ cả chục năm qua. Năm 2016, trên khu đất dự án đã hoàn thành một số hạng mục xây dựng. Mặt tiền của dự án là chiếc cổng vào hoành tráng, với 5 chú ngựa ở trên và hàng chữ khách sạn Hà Nội Kim Liên.
Theo tìm hiểu của PV, CTCP du lịch Hà Nội được thành lập năm 2005, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thị Giới, Vũ Văn Thảo và Vũ Bá Hòa. Cả 3 cổ đông này có cùng địa chỉ thường trú tại Hà Nội.
Ông Vũ Văn Thảo (SN 1961) được biết đến là Chủ tịch HĐQT của CTCP du lịch Hà Nội. Ngoài ra, ông Thảo cũng từng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CTCP khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Giang (Mã CK: BMG). Ông Thảo cũng là một trong những người sở hữu siêu xe Roll – Royce Ghost đầu tiên của Việt Nam.
Có tiềm lực, song CTCP du lịch Hà Nội của ông Thảo không triển khai dự án tại Cửa Lò, khiến dự án bị chậm tiến độ. Trong khi, chủ đầu tư tìm cách kéo dài tiến độ dự án bằng việc xin điều chỉnh quy hoạch.
Theo dữ liệu của PV, tháng 6/2016, Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của CTCP du lịch Hà Nội. Quyết định này nêu rõ, trong 10 ngày công ty phải họp để quyết định giải thể.
Thế nhưng, trong tháng 10 và 11/2017, CTCP du lịch Hà Nội có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông. Cả ông Vũ Văn Thảo và 2 cổ đông khác thoái hết vốn tại doanh nghiệp này. Lúc này, CTCP du lịch Hà Nội về tay ai là một dấu hỏi.
Sau khi sang tay chủ mới, cổng cũ của dự án Khách sạn Hà Nội Kim Liên bị dỡ bỏ. Thay vào đó là cổng sắt mới được dựng lên với logo của Thiên Minh Đức Group. Đồng thời, bà Chu Thị Thành trở thành Chủ tịch HĐQT của CTCP du lịch Hà Nội. Lúc này, người ta mới biết, Thiên Minh Đức Group của bà Chu Thị Thành đã âm thầm thâu tóm dự án "đất vàng" mặt biển Cửa Lò.
Nói về Thiên Minh Đức group (TMD Group), bà Chu Thị Thành (SN 1960) là người đại diện theo pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT của công ty. Bà Thành cũng là 1 trong 3 cổ đông của TMD Group với việc nắm giữ 60% cổ phần, 40% thuộc về 2 cổ đông khác.
Ghi nhận ngày 17/12/2019, TMD Group đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 855 tỷ đồng lên thành 1.155 tỷ đồng.
Hiện TMD Group là đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng, với mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Sau gần 20 năm thành lập và phát triển, TMD Group tạo ra một hệ sinh thái với nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, điện, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài. Có thể kể đến như Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Hoàng Huy, Công ty Cổ phần Trung Long, Công ty Cổ phần thương mại Quốc tế BMC, Công ty Cổ phần dầu khí Epic, Công ty Cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK, Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn Safari, Công ty Cổ phần KCN Hải Phòng...
Đầu năm 2019, TMD Group đã đưa dự án Tổng kho xăng dầu DKC tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào hoạt động. Dự án được xem là tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung bộ. Tổng mức đầu tư của Tổng kho xăng dầu DKC vào khoảng 1.400 tỷ đồng.
Đây cũng là 1 trong những lý do mà TMD Group đã liên tiếp nằm trong top đầu những doanh nghiệp nộp thuế cao nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào các năm 2019 và 2020. Đặc biệt là năm 2020, TMD Group đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh chỉ sau 9 tháng đầu năm.
TMD Group thực sự đã trở thành một tập đoàn tư nhân thuộc top đầu tại tỉnh Nghệ An bởi năm 2019, doanh thu của tập đoàn này đã mấp mé ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Mức doanh thu còn cao hơn rất nhiều những công ty tên tuổi khác trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (6.160 tỷ đồng), hay là Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội (Mipec; 7.066 tỷ đồng).
Hoạt động chính trong lĩnh vực xăng dầu, song những năm qua TMD Group của bà Chu Thị Thành đang dần lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Ngoài Tổ hợp đô thị, khách sạn Hà Nội Kim Liên ở cửa lò, TMD Group còn Bắc tiến bằng việc tham gia đấu giá đất vàng Thủ đô.
Tại Hà Nội, TMD Group trúng đấu giá quyền sử dụng đất lô đất TQ5 (1) có diện tích 83.388m2, gồm đất để xây dựng nhà ở thấp tầng (31.529,6m2), đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ (2.513m2)... ở thị trấn Trâu Quỳ, nơi đang phát triển mạnh hàng đầu của huyện Gia Lâm với giá chỉ hơn 779,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Chu Thị Thành cùng con trai Chu Đăng Khoa còn góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam. Trong khi, TMD Group cũng tham gia góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Sài Gòn Safari cùng với Công ty TNHH Khách sạn Paragon Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoàng Hải Long và Công ty TNHH Silverland Bến Thành.
PV