Chỉ trong tháng 5, hàng loạt quốc gia đã công bố những hợp đồng vũ khí "khủng" với các siêu tiêm kích như F-35, F-16, Su-57 khiến thị trường vũ khí dậy nóng.
Nhật mua thêm 105 siêu tiêm kích Mỹ F-35
Tiêm kích F35. Ảnh: Getty |
Ngày 27/5, phát biểu trong họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Nhật Bản đã thông báo ý định mua 105 tiêm kích tàng hình F-35 hoàn toàn mới. Thỏa thuận này sẽ giúp Nhật sở hữu phi đội F-35 lớn nhất trong các đồng minh của Mỹ".
Trước đó, hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định Tokyo sẽ không từ bỏ thương vụ mua tiêm kích do Mỹ sản xuất, bất chấp sự cố F-35A lao xuống biển khiến phi công thiệt mạng hôm 9/4.
Trong khi đó, theo SCMP, trên thực tế, việc mua thêm 105 tiêm kích F-35 không những giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò là người dẫn dắt an ninh hàng đầu trong khu vực, mà còn tạo ra thách thức mới cho quân đội Trung Quốc, lực lượng đang ngày càng mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi tại Đại học Quốc gia Pusan của Hàn Quốc cho biết, “trong bối cảnh Nhật Bản muốn nâng cấp các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, thì F-35B là lựa chọn duy nhất”.
Cũng theo ông Yamaguchi, thương vụ F-35 là nhằm “tăng cường năng lực của Nhật Bản để chiếm ưu thế trên không và trên biển. Đây là năng lực phòng thủ thiết yếu để Nhật Bản bảo vệ các đảo”. Ngoài ra, ông Yamaguchi chi hay thương vụ F-35 còn là minh chứng cho mối quan hệ liên quân ngày càng thân thiết giữa Washington và Tokyo cũng như cải thiện năng lực phối hợp hành động chung.
Ba Lan muốn 'thay máu' phi đội tiêm kích bằng F-35A
Tiêm kích F-35A. Ảnh: CNN |
Ngay sau Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 28/5 đã thông báo trên mạng xã hội Twitter: "Chúng tôi đã gửi đề xuất tới đối tác Mỹ, bày tỏ ý định đặt mua 32 tiêm kích F-35A kèm gói hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện”.
Bộ trưởng Blaszczak cho biết phi đội F-35A sẽ thay thế những tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-22 được không quân Ba Lan vận hành suốt hàng chục năm qua. Giới chuyên gia cho rằng việc mua F-35A sẽ tăng tính đồng bộ cho không quân Ba Lan, lực lượng đang vận hành 48 tiêm kích F-16 Block 52+ của Mỹ song song với những chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo.
Chính phủ Mỹ và tập đoàn Lockheed Martin, nhà sản xuất dòng F-35, chưa bình luận về thông tin này.
F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh. Đây là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, giúp nó có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân, cũng là mẫu F-35 duy nhất mang pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm trong thân.
Dòng F-35A được kỳ vọng sẽ có độ linh hoạt tương đương tiêm kích F-16, trong khi vượt trội về tính tàng hình, tầm bay khi không gắn thùng dầu phụ và khả năng sống sót trong chiến đấu.
Ngoài Nhật Bản, Ba Lan, hơn 10 quốc gia đồng minh khác của Mỹ cũng đã đặt mua các chiến đấu cơ F-35. Cụ thể, chính phủ Australia đã quyết định chi ngân sách 17 tỷ USD để mua 72 chiếc F-35 từ Mỹ và Hàn Quốc đặt hàng 40 chiếc F-35. Thậm chí, Tập đoàn Lockheed Martin, đơn vị sản xuất F-35, còn cho biết Seoul sẽ mua thêm 20 chiếc F-35.
Nga muốn bổ sung 76 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57. Ảnh: BCC |
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị quốc phòng thường lệ tổ chức ở Sochi hôm 15/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: Một gói hợp đồng gồm 76 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 sẽ sớm được ký kết trong tương lai gần để trang bị cho Không quân Nga trước năm 2028.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhấn mạnh Nga cần tập trung hiện đại hóa, cải tiến các thiết bị quân sự đã có sẵn để tăng khả năng chiến đấu của lực lượng Không quân Nga trong thập kỷ tới.
Tổng thống Putin cho biết, máy bay ném bom Tu-160M được hiện đại hóa đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/2018. Cũng theo người đứng đầu nhà nước Nga, số lượng các máy bay đánh chặn MiG-31 cũng sẽ tăng lên đáng kể, trong đó có việc bổ sung tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal.
Tổng thống cũng chỉ thị việc nâng cấp các máy bay chiến lược Tu-95, Tu-160 và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M.
"Máy bay chiến đấu đa năng Su-35S và Su-57 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng", nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, nhấn mạnh rằng đặc điểm chiến đấu của chúng là tốt nhất trên thế giới.
Indonesia muốn mua thêm 32 tiêm kích F-16 của Mỹ
Tiêm kích F-16 của Mỹ. Ảnh: CNN |
ATimes đưa tin ngày 22/5, Indonesia đang "lặng lẽ" nói chuyện với Mỹ về việc mua 32 máy bay chiến đấu F-16 Viper và 6 máy bay vận tải C-130J.
Các nguồn tin uy tín của Washington suy đoán rằng, Indonesia đang tìm cách tránh sự trả đũa từ Quốc hội Mỹ đối với các nước đồng minh gần đây mua các vũ khí khí tài Nga.
Trong quá khứ, Không quân Indonesia chủ yếu sử dụng máy bay của Mỹ hoặc Anh, tuy nhiên kể từ những năm 2000 điều này đã thay đổi khi Indonesia chuyển sang sắm máy bay Sukhoi của Nga. Đỉnh điểm, nước này đang đàm phán mua tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S.
Hiện tại Không quân Indonesia đang có trong tay 25 chiếc F-16A/B mua cũ từ Mỹ, nhưng đã được nâng cấp lên ngang ngửa chuẩn F-16C/D hiện đại hơn.
Nếu thương vụ trên thành công, số lượng F-16 của Indonesia sẽ tăng lên con số 57 , sức mạnh của nước này cũng tăng thêm vài bậc.
Trong khi đó, C-130J là phiên bản "cao cấp" nhất của dòng máy bay vận tải huyền thoại C-130. So với các thế hệ trước, C-130J được nâng ấp buồng lái mới, động cơ hiện đại và thay đổi hàng loạt hệ thống phụ.
Mộc Miên (T/h)