Những năm trước đây thị trường giao dịch bất động sản luôn thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia với lợi nhuận cao. Kéo theo đó kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng được quan tâm với mức lãi suất đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, sau sự “sụp đổ” về chuỗi hoạt động đầy bất ổn của của những tên tuổi lớn như: Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC,... thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu lâm vào cảnh hỗn loạn. Nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản bởi sự đứt gãy dòng tiền, nhiều nhà đầu tư tìm cách tháo chạy khỏi thị trường chấp nhận cắt lỗ. Thế nhưng hầu hết các trái chủ đều chung một cảnh ngộ là “ăn chực nằm chờ” tại một số đơn vị phát hành trái phiếu để đòi quyền lợi.
Với những gì đã trải qua tại bài học thị trường năm 2022, nhà đầu tư giờ đây không còn chạy theo lãi suất như trước (đã có giai đoạn lãi suất của kênh đầu tư này lên đến hơn 20%/ năm) mà thay vào đó là lựa chọn các trái phiếu an toàn và đơn vị phát hành uy tín.
Những tín hiệu tích cực
Số liệu cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, đã có gần 130 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được thực hiện với giá trị đạt hơn 143.730 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.
Đồng thời thị trường trái phiếu cũng được ấm lại sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành đã gỡ nút thắt cho thị trường. Cụ thể: Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Đồng thời nghị định mới này còn cho phép kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu không quá 02 năm. Qua đó giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tái cấu trúc, tạo điều kiện cho việc tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
Theo thông tin từ Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) - đơn vị tư vấn cho nhiều lô trái phiếu phát hành thành công và cũng là tổ chức nắm giữ gần 70% thị phần tư vấn trái phiếu doanh nghiệp nhận định nhà đầu tư sẽ tìm mua những trái phiếu có lãi suất có thể thấp hơn 0,5 - 1 điểm phần trăm, song là phương án an toàn với nhà đầu tư.
Thêm vào đó việc minh bạch trong phát hành trái phiếu cũng thúc đẩy niềm tin và sự kỳ vọng của nhà đầu tư qua đó giúp đơn vị phát hành trái phiếu vẫn kết nối được với nhà đầu tư.
Theo đại diện từ TCBS, trái phiếu chào bán đến khách hàng được thẩm định, sàng lọc, theo dõi và quản trị rủi ro chặt chẽ theo quy trình đầu tư trái phiếu của Techcombank. Chỉ trái phiếu nằm trong khẩu vị rủi ro an toàn của Techcombank mới được chào bán cho nhà đầu tư. Với tổ chức phát hành, tổ chức nào nằm trong danh sách Techcombank quản lý và giữ quan hệ đối tác mới được dùng cho bán lẻ.
Trái phiếu phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư
Thị trường trái phiếu năm 2023 dù đã có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn chưa thể lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư. Yếu tố rụt rè trong việc “đưa tiền” vào kênh trái phiếu vẫn hiện hữu vì tiền gửi được cho là một kênh thu hút dòng tiền lớn khi thị trường bất động sản đang tái cấu trúc và chứng khoán vẫn ẩn chứa rủi ro.
Bàn về kênh tiền gửi tiết kiệm, một chuyên gia kinh tế cho hay, hiện tại lãi suất huy động đã giảm xuống gần 5% so với hồi đầu năm, nhưng ông nhận thấy chưa xuất hiện dòng chuyển dịch vốn đột biến từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang những kênh đầu tư khác.
Trong khi đó giá vàng miếng tăng chóng mặt đến sát 71 triệu đồng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của nhà đầu tư vào kênh như trái phiếu. Nếu lợi tức trái phiếu giảm, sự thu hút của trái phiếu với nhà đầu tư yếu đi, nắm giữ trái phiếu không đem lại lợi nhuận tốt. Lúc này mọi người có xu hướng chuyển sang mua vàng để đợi tăng giá bán kiếm lời.
Thị trường trái phiếu cần sự minh bạch và kiểm soát chặt chẽ để sôi động như trước
Về vấn đề trách nhiệm của đơn vị phát hành trái phiếu một số chuyên gia chia sẻ với truyền thông rằng, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ nhất là nghĩa vụ trả gốc, lãi vẫn thuộc về doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư. Còn về phía cơ quan quản lý, trách nhiệm giám sát của các cơ quan, tổ chức liên quan phải được đề cao và tiến hành thường xuyên.
Có thể thấy thị trường trái phiếu đã phần nào “ấm” lại sau những sóng gió tuy nhiên để thị trường trái phiếu là một kênh huy động sôi động như trước cần sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng trong việc giám sát và quản lý các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Kèm theo đó là tháo gỡ những “nút thắt" cho thị trường thông qua nhiều chủ trương bám sát thực tế diễn biến thị trường. Ngoài ra, trách nhiệm quan trọng nhất không thể thiếu chính là của đơn vị phát hành,trong đó sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực từ trái phiếu là điều cốt lõi giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Có thể thấy thị trường trái phiếu đã phần nào “ấm” lại sau những sóng gió tuy nhiên để thị trường trái phiếu là một kênh huy động sôi động như trước cần sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng trong việc giám sát và quản lý các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Kèm theo đó là tháo gỡ những “nút thắt" cho thị trường thông qua nhiều chủ trương bám sát thực tế diễn biến thị trường. Ngoài ra, trách nhiệm quan trọng nhất không thể thiếu chính là của đơn vị phát hành,trong đó sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực từ trái phiếu là điều cốt lõi giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.