(ĐSPL) - Thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2016 cho thấy nhu cầu sở hữu ô tô tại Việt Nam rất lớn, bất chấp việc giá xe hiện đang cao và sẽ tiếp tục tăng cao.
Thị trường xe tháng 7 "lên đồng"
Từ ngày 1/7, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới sẽ có sự thay đổi đối với nhiều mẫu xe. Đơn cử mức thuế TTĐB các dòng xe có dung tích xi lanh từ 1.5L sẽ giảm 5\% (từ 45\% xuống còn 40\%) và tiếp tục giảm còn 35\% từ 1-1-2018.
Theo lộ trình, năm 2017, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ Đông Nam Á về Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30\% và thuế TTĐB giảm 5\% (đối với dòng xe có dung tích xi lanh 1.5L từ 45\% xuống 40\%). Đặc biệt sang đầu năm 2018 thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 0\% và thuế TTĐB tiếp tục giảm 5\% (cho xe có dung tích xi lanh 1.5L và 2.0L). Như vậy làn sóng xe nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á (trong đó chủ yếu là Thái Lan) sẽ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 7 tháng đầu năm 2016, cả nước tiêu thụ được 163.867 ô tô các loại, tăng 32\% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch tiêu thụ được gần 92.000 xe, tăng 28\%; xe thương mại đạt gần 61.640 xe, tăng 36\% và xe chuyên dụng đạt 10.230 chiếc, tăng 49\% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ đạt gần 123.980 xe, tăng 35\%; xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ được hơn 39.890 xe, tăng 24\% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ tính riêng trong tháng 7 lượng xe của các hãng bán ra đạt 28.004 xe, tăng 15\% so với tháng 6 và 38\% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng xe lắp giáp trong nước đạt 20.726 xe, tăng 14\% so với tháng trước, số lượng xe nhập khẩu xe nguyên chiếc đạt 7.728 xe tăng 14\% so với tháng trước, đây được xem là mức tăng cao kỷ lục từ đầu năm đến nay.
Theo các chuyên gia, sở dĩ thị trường xe tháng 7 "lên đồng" là do tâm lý nhiều khách hàng dồn mua xe trước tháng cô hồn (tháng 7 âm) và các hãng xe cũng mạnh tay kích cầu dựa trên thói quen này. Bên cạnh đó, việc hàng loạt mẫu xe dung tích dưới 1.5 lít giảm giá cũng góp phần làm thị trường sôi động hơn.
Cùng với khả năng thị trường xe nhập khẩu có thể được mở lại nếu thông tư 20 bị gỡ bỏ, doanh số bán xe toàn thị trường nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh khi mà mọi hãng xe đều phải dồn lực cạnh tranh lấy lòng khách hàng.
7 tháng đầu năm 2016, cả nước tiêu thụ được 163.867 ô tô các loại, tăng 32\% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa). |
Thị trường ô tô nội địa gồng mình chịu sức ép nhập khẩu
Trong tháng 5, 6 vừa qua, thị trường ô tô trong nước đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của xe nhập khẩu nguyên chiếc, tính chung 6 tháng đầu năm, lượng ô tô nhập nguyên chiếc vào Việt Nam đạt 49.890 chiếc. Nguyên nhân là đến gần ngày thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 1.7 khi giá một số dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.500cm3 sẽ tăng đáng kể, nên trong những tháng trước đó, người tiêu dùng đã tranh thủ mua xe để tránh bị đội giá về sau, vì vậy sức tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh.
Những tháng đầu năm ghi nhận một thực tế đã được nhìn thấy trước đó là xu thế nhập khẩu xe từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan tăng nhanh. Hiện Thái Lan từ vị trí thứ 4 (năm 2015) đã vươn lên dẫn đầu về lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Thái Lan vẫn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xe lớn nhất, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập 10.155 xe. Với lợi thế là nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá thành sản xuất rẻ, chi phí vận chuyển thấp… Quan trọng hơn, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đã và sẽ có lợi thế rất lớn về giá khi từ 1-1-2016, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các quốc gia Đông Nam Á về Việt Nam giảm từ mức 50\% xuống còn 40\%.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, bức tranh thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2016 cho thấy nhu cầu sở hữu ô tô tại Việt Nam rất lớn, bất chấp việc giá xe hiện đang cao và sẽ tiếp tục tăng cao.
Ngoài ra, triển vọng ngành ô tô thời gian tới còn chịu tác động của việc hết hiệu lực thông tư 20. Vì theo quy định, Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã hết hiệu lực vào ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tư hay quy định nào thay thế.
Thông tư 20 quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đảm bảo 2 nhóm giấy tờ quan trọng. Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Như vậy, tác động của thông tư này chính là siết chặt hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải là nhà nhập khẩu chính hãng và bắt buộc đảm bảo các vấn đề liên quan đến sau bán hàng như: chế độ bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số đơn vị nhập khẩu sẽ bị thu hẹp, mỗi thương hiệu gần như chỉ có 1 đơn vị nhập khẩu phân phối.
Do đó, nếu thông tư 20 không còn hiệu lực thì khả năng rất lớn là thị trường ô tô sẽ bị xáo trộn vì tình trạng nhập khẩu ô tô sẽ xảy ra ồ ạt, tạo thế cạnh tranh công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp. Hiện nay, việc bỏ hay giữ thông tư này đang được tranh luận khá “nóng” không chỉ giữa các cơ quan chức năng mà còn giữa cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Tuyết Mai
Nguồn: Người đưa tin