Whittier là một thị trấn hẻo lánh nằm ở bang Alaska (Mỹ), được biết đến với thời tiết khắc nghiệt quanh năm. Tuy nhiên, điều khiến nơi đây trở nên đặc biệt so với những vùng hẻo lánh khác của nước Mỹ, là hơn 200 người dân của toàn thị trấn đều dồn về sống cùng nhau trong một chung cư cao 14 tầng có tên gọi Beghich Towers (BTI).
Được biết, thời tiết ở Whittier rất khắc nghiệt. Mùa đông, tuyết có thể phủ dày 6-7 m cùng những cơn gió mạnh thổi với vận tốc 128 km/giờ. Năm này qua năm khác, người dân nơi đây lần lượt chịu đựng 6 tháng mùa mưa, 6 tháng còn lại là gió và tuyết.
Sau trận chiến Trân Châu Cảng, quân đội Mỹ xây dựng Whittier thành một căn cứ quân sự, đóng vai trò quan trọng trong những ngày đầu chiến tranh lạnh. Tới những năm 1950, nơi này đóng cửa và trở nên hoang phế.
Thị trấn Whittier chỉ bắt đầu hồi phục khi giá dầu giảm mạnh vào cuối những năm 1980. Whittier chào đón nhóm cư dân đầu tiên và dần dần có thêm người từ bang Hawaii, vùng lãnh thổ Samoa, đảo Guam (đều thuộc lãnh thổ Mỹ), Philippines đến lập nghiệp.
Việc hầu như cả thị trấn sống chung dưới một mái nhà cũng được đánh giá là có nhiều điều thú vị. Tòa nhà này không khác gì một thành phố thu nhỏ, gồm có cả bệnh viện, trường học và nơi đặt trụ sở của chính quyền. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có các dịch vụ tối thiểu như tiệm giặt là, siêu thị...
Giờ cao điểm của thị trấn là khi người dân không phải đối mặt với cảnh tắc đường mà là tắc thang máy, nó đều đặn dừng lại ở mỗi tầng.
Dù vậy, Whittier cũng tương đối biệt lập, người ta chỉ có thể đến đây thông qua đường biển hoặc lái xe qua một đường hầm một xuyên núi dài khoảng 4km, mở cửa đến 22h30 (giờ địa phương). Các phương tiện chỉ được lưu thông theo một làn, một chiều duy nhất và đường hầm sẽ được đổi chiều sau mỗi 30 phút. Do vậy, nếu muốn ra vào thị trấn, mọi người luôn phải sắp xếp công việc phù hợp với thời gian biểu của giờ đóng, mở và đổi chiều của đường hầm.
Có khoảng 218 người dân sống tại tòa chung cư này và chỉ một số ít hộ dân là sống ở khu vực bên ngoài. Cùng "sống chung dưới một mái nhà" đồng nghĩa với việc cư dân ở đây giống như là gia đình của nhau, họ chia sẻ thực phẩm và các vật dụng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau khi đau ốm.
Erika Thompson là một giáo viên sống ở tầng 9. Cô cho biết mình gặp sinh viên của cô ở mọi nơi. "Khi đi đổ rác, tôi nhìn thấy sinh viên của mình. Khi tôi ra ngoài để mang đồ đi giặt là, tôi cũng gặp họ". Cũng do vị trí nhà ở độc đáo này, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên rất khác những nơi khác. Erika có thể vừa nướng khoai trong lò, vừa tổ chức một lớp học ngay ở phòng khách. Và vào dịp Giáng sinh, cô vẫn thỉnh thoảng được sinh viên gõ cửa nhà.
Jennifer Rogers, một công chức của thị trấn, có thể thoải mái di dép lê đi làm. Thậm chí cô cũng không phải đưa 3 đứa con nhỏ của mình đến trường. Đến giờ học, giờ làm, mọi người chỉ cần bấm thang máy. Trường học của trẻ con được kết nối với chung cư qua một đường hầm.
Dù vậy, do sống trong môi trường khép kín nên sự riêng tư trở thành một vấn đề. Một số cư dân ở Begich đã chuyển ra ngoài để tìm kiếm cảm giác thoải mái hơn.
Hoa Vũ (T/h)