Dù đã gần 50 tuổi, nhưng cô Hà Thị Oanh (Lạng Sơn) vẫn tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 với quyết tâm lấy bằng được tấm bằng tốt nghiệp, làm gương cho con cháu.
Là người dân tộc Tày, chị Hà Thị Oanh (sinh năm 1974) tâm sự, chị ở Thanh Khê, Văn Quan, Văn Lãng và đang công tác ở xã. Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, chị Oanh quyết tâm đi thi để lấy bằng cấp 3.
Dẫn lời từ báo Dân Trí, mỗi ngày, chị Oạnh cố gắng dành thời gian ôn luyện tài liệu của nhà trường. Chị kể: “Với tuổi của chị bây giờ rất khó khăn trong việc học tập, nhất là khi chương trình mới có nhiều đổi mới. Chị cố gắng lắm vì các con luôn ở bên động viên mẹ.
Hàng ngày chị Oanh đi học hơn 30km từ nhà đến trường. Mỗi tuần học 3 ngày (thứ 6, thứ 7, chủ nhật) trong 1 năm qua tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Thí sinh 45 tuổi này cho biết, trước đây chị học hết lớp 5, sau đó đi học ở trường Bồi dưỡng cán bộ phụ nữ Trung ương 3 năm. Học 1 năm văn hóa, chị lại vào học Trung cấp công tác xã hội và sau khi ra trường thì vào xã công tác.
Chị Oanh cho biết thêm, lớp của chị có 9 người có tuổi. “Trong đó có 2 bác cao tuổi nhất. Bác Tài sinh năm 1965, bác Cương sinh năm 1974”, chị nói.
Chị Hà Thị Oanh và bác Nông Văn Tài (từ trái qua phải) hồi hộp xen lẫn hào hứng trước giờ thi. Ảnh: Dân Trí |
Trả lời báo Dân Trí, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, Phó Trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019 của tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 20 điểm thi, 373 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi 8.832, trong đó có 7.678 thí sinh là người dân tộc thiểu số.
Ngoài Lạng Sơn ra tỉnh Điện biên cũng có khá đông thí sinh lớn tuổi tham gia kỳ thì THPT Quốc gia trong số 5.318 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi năm 2019 tại tỉnh có khá nhiều thí sinh trên 40 tuổi tham dự.
Trong đó có ông Lù Văn Định, sinh năm 1963 (57 tuổi) trú tại bản Mương Pồn, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, Điện Biên được xem là thí sinh lớn tuổi nhất. Với quyết tâm lấy bằng được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, ông Lù Văn Định cho biết đây là lần thứ 3 ông tham dự kỳ thi này, trước đó ông đã bị trượt 2 lần.
Chia sẻ với VTV News, ông Định thừa nhận: "Bước sang tuổi này đầu óc không còn minh mẫn nữa nên nhiều lúc ôn thi chẳng được chữ nào vào đầu, nhưng thấy con cháu học hành, có kiến thức mình cũng phải quyết tâm lấy được tấm bằng tốt nghiệp để làm gương cho chúng nó. Điều quý giá nhất mà tôi nhận được đó chính là sự động viên, ủng hộ của những người thân trong gia đình, tôi lấy đó làm động lực để cố gắng".
Tại Kiên Giang ông Trương Văn Dạ đã 60 tuổi nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học vấn đến cùng. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Dạ là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất của tỉnh Kiên Giang.
Cháu Hồ Thị Ngọc Hân, cháu ngoại ông Trương Văn Dạ tự hào chia sẻ với báo Dân Trí: “Thấy ông ngoại lớn tuổi mà vẫn chăm chỉ học tập, tụi con rất khâm phục. Tụi con noi theo gương ông ngoại, chúng con quyết tâm học tập thật tốt, con đạt học sinh giỏi nhiều năm liền một phần là nhờ sự chỉ bảo, nhắc nhỡ của ông ngoại”.
Được biết ông Dạ, tham dự thi với một người lớn tuổi như ông cũng gặp không ít khó khăn như mắt kém, viết chậm tuy nhiên ông cho biết, mấy buổi thi vừa qua ông chấp hành tốt nội quy, quy chế thi, làm bài bằng chính khả năng của mình để hy vọng đạt kết quả tốt nhất.
Sáng 27/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 ở Lạng Sơn gặp các thí sinh lớn tuổi dự thi, trong đó có người đã gần 60 tuổi, Thứ trưởng Lê Hải An đã đến trò chuyện, động viên các thí sinh. Thứ trưởng cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn, là tấm gương học tập suốt đời cho con cháu học tập,truyền cảm hứng vươn tới những mục tiêu trên con đường tri thức.
Kiều Trang(T/h)