Các công chức, viên chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận/huyện, phường/xã sẽ có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP trên địa bàn.
Tại hội nghị triển khai Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/10, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, trước mắt, quyết định này sẽ được thực hiện thí điểm tại 10 quận/huyện, 20 phường/xã ở Hà Nội và TP.HCM, bắt đầu từ ngày 15/11. Thời gian thực hiện thí điểm là 12 tháng.
Hà Nội là 1 trong 2 địa phương sẽ thí điểm có thanh tra chuyên ngành ATTP ở quận/huyện, xã/phường. Ảnh: VGP/Thúy Hà. |
Quyết định được đưa trong bối cảnh tình hình ATTP trên cả nước đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự quản lý sâu rộng từ các cấp cơ sở. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về lĩnh vực thanh tra mới chỉ trao quyền thanh tra chuyên ngành cho cấp tỉnh, thành phố. Vì vậy, tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, xã/phường, thị trấn sẽ quản lý tốt vấn đề vệ sinh ATTP ngay từ cơ sở.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, người được giao nhiệm vụ thanh tra và xử phạt vi phạm ATTP phải là công chức, viên chức am hiểu pháp luật, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.
Ở cấp quận/huyện thì giao cho cán bộ thuộc các phòng y tế, kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm y tế, đội quản lý thị trường. Cấp xã/phường thì giao cho cán bộ thuộc biên chế của trạm y tế, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế. Trong quyết định của Chính phủ không tăng thêm biên chế mà sử dụng lực lượng tại địa phương để làm việc này.
Ông Nguyễn Hùng Long cũng cho biết, những người được thực hiện chức năng thanh tra tại cấp xã/phường được quyền xử phạt đến 500.000 đồng. Với mức xử phạt cao hơn, trưởng đoàn kiểm tra phải làm báo cáo, trình UBND phường/xã, mức phạt có thể 5 triệu, cấp quận/huyện là 20 triệu đồng.
“Một cơ sở thức ăn đường phố, hay quán ăn ở xã/phường mà bị phạt 500.000 đồng là không hề nhỏ. Mức xử phạt có giá trị răn đe rất lớn. Chúng tôi thấy nơi nào có áp dụng xử phạt thì hiệu quả lớn hơn”, ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Long, sẽ không có chuyện thanh tra cấp quận/huyện, xã/phường lạm quyền phạt bừa các cơ sở kinh doanh. Vì khi đi thanh tra độc lập, dù một người đi thanh tra cũng phải có quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường. Chứ không phải cứ “khoác áo có thẻ” là đi xử phạt.
Khi cơ sở hoặc doanh nghiệp cá nhân phản hồi lại, không đồng ý với kết quả thanh tra đó, thì đối với cấp quận/huyện, thanh tra Sở phải kiểm soát và thanh tra lại, còn cấp xã/phường thì các Chi cục sẽ làm nhiệm vụ này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, nút thắt quan trọng nhất đối với công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay là yếu tố con người, do số lượng thanh tra rất hạn chế nên không giải quyết được những bất cập trong vấn đề vệ sinh ATTP. Vì vậy, Quyết định khi được triển khai tận xã/phường sẽ giải quyết được nút thắt về con người.
“Bản chất là cấp xã/phường phải chịu trách nhiệm các vấn đề về ATTP trên địa bàn, mà không cho họ cơ chế để xử phạt thì rất khó. Tuy nhiên, thanh tra phải trên quan điểm xây là chính. Trước mắt, kết quả thanh tra sẽ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở, nếu cơ sở nào cố tình hoặc tiếp tục vi phạm thì sẽ tiến hành xử phạt”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tập trung thanh tra chất lượng ATTP, hạn chế thanh tra hành chính
Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT, khi giao quyền lực cho một lực lượng, sẽ tạo ra hiệu ứng có thể mang lại hiệu quả thiết thực về mặt Nhà nước, nhưng đồng thời cũng cần ngăn chặn những khả năng, trường hợp lạm dụng quyền lực này để gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong quyết định này, các địa phương được giữ lại 100\% tiền xử phạt. Đây là yếu tố "hấp dẫn" có thể dẫn tới việc lạm dụng quyền này.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc lạm dụng quyền lực, xử phạt gây phiền nhiễu với doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải tính thêm. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh lớn tuần nào thanh tra cũng không được, mà có thể giao Sở Y tế, Sở NN&PTNT hoặc Sở Công Thương kiểm tra cơ sở lớn. Vì thẩm quyền xử phạt tuyến xã, chỉ tối đa phạt 500 nghìn đồng, nếu vượt quá thì phải báo cáo UBND cùng cấp để xử lý, mà cùng cấp cũng chỉ phạt tối đa 5 triệu, quá nhỏ so với những vi phạm lớn. Do đó, đơn vị sản xuất lớn trên địa bàn phải có sự phân công thanh kiểm tra.
Đặc biệt, phải có tiêu chí để đánh giá trước khi hoạt động. Hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục ATTP và đề nghị Bộ NN&PTNT cùng đưa ra các tiêu chí đánh giá. Đối với việc thí điểm sắp tới sẽ có sơ kết sau 6 tháng thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, các địa phương khi triển khai Quyết định phải tập trung thanh tra chất lượng ATTP thay vì “sa đà” vào kiểm tra hành chính như: Giấy phép, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn… cũng có thể gây phiền hà, nhũng nhiễu các cơ sở kinh doanh.
Thời gian tới, Cục ATTP (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với Hà Nội và TPHCM tổ chức 2 lớp đào tạo kỹ năng, quy trình thanh tra và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực phẩm. Chứng chỉ có giá trị tương đương với thanh tra Chính phủ cấp.
Theo Chinhphu.vn
[mecloud]vzYWeeHCID[/mecloud]