+Aa-
    Zalo

    Theo dấu vết “bố già” thay tên đổi họ cho “kiều nữ” xuất ngoại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lần theo đối tượng xuất cảnh ra nước ngoài làm nghề “nhạy cảm”, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa tìm ra và xóa sổ đường dây làm giả giấy tờ quy mô cực lớn.

    (ĐSPL) - Lần theo đối tượng xuất cảnh ra nước ngoài làm nghề “nhạy cảm”, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa tìm ra và xóa sổ đường dây làm giả giấy tờ quy mô cực lớn.
    Để trục lợi bất chính từ việc làm giấy tờ giả, các đối tượng trong đường dây đã sử dụng “công nghệ” hết sức tinh vi. Hậu quả là có hàng nghìn giấy tờ, bằng cấp giả đã được các đối tượng tuồn ra ngoài và hiện không biết đang ở đâu.
    Lộ đường dây từ một “mắt xích” nhỏ
    Ngày 8/5, phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Huỳnh Thị Lệ Hằng (27 tuổi, quê tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi sử dụng giấy tờ mang tên người khác xuất cảnh ra nước ngoài.
    Theo thông tin từ cơ quan điều tra, sự việc được phát hiện khi vào đầu năm 2014, chị Nguyễn Thúy Diệu dự định đi nước ngoài du lịch nên đến phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM làm hộ chiếu. Trong quá trình kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, đơn vị này phát hiện có một người cùng mang tên Nguyễn Thúy Diệu có cùng ngày tháng năm sinh và quê quán nhưng đang ở Malaysia. Lúc này, chị Diệu khẳng định chưa từng xuất ngoại lần nào nhưng trước đó có đánh rơi CMND của mình.
    Trên cơ sở những thông tin mà chị Diệu cung cấp, phòng quản lý xuất nhập cảnh nghi ngờ đã có một người khác làm giả giấy tờ mang tên chị Diệu để xuất cảnh. Chính vì vậy, đơn vị này đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho PC45 tiếp tục điều tra theo đúng thẩm quyền. Công tác điều tra nhanh chóng được triển khai cho đến cuối tháng 3/2014, khi Nguyễn Thúy Diệu giả vừa về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thì bị các trinh sát mời về trụ sở Công an làm việc.
    Trước những chứng cứ không thể chối cãi, đối tượng “núp” sau cái tên của chị Diệu thừa nhận mình đã dùng giấy tờ mang tên chị Diệu để xuất cảnh. Theo lời khai tại cơ quan điều tra, đối tượng này tên thật là Huỳnh Thị Lệ Hằng (SN 1987, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh An Giang). Hằng cho biết đã nhiều lần xuất cảnh sang Malaysia để làm tiếp viên trong các nhà hàng, tụ điểm massage kích dục. Tuy nhiên, do bị các cơ quan chức năng Malaysia nhiều lần phát hiện hành nghề trái pháp luật, nên Hằng bị trục xuất và cấm nhập cảnh sang Malaysia. Từ đó, Hằng nảy sinh ý định làm giấy tờ giả để tiếp tục sang xứ người kiếm tiền.
    Theo dấu vết “bố già” thay tên đổi họ cho “kiều nữ” xuất ngoại
    Các đối tượng Thọ, Công “đen”, Hằng (từ trái sang phải) tại cơ quan điều tra.
    Thị trường ngầm và đường dây xuất ngoại
    Để thực hiện ý định của mình, vào tháng 4/2012, Hằng tìm đến khu vực phòng quản lý xuất nhập cảnh (trên đường Nguyễn Du, quận 1) để tìm các đối tượng chuyên làm giấy tờ giả. Sau một hồi lân la, dò hỏi, Hằng biết đến một người đàn ông có tên Đỗ Hữu Công (Công “đen”, từng có nhiều tiền án về tội cướp giật) tự xưng là “cò” giấy tờ. Sau khi tìm hiểu, Hằng biết Công “đen” có thể làm được mọi giấy tờ giả theo yêu cầu của “khách hàng”.
    Tại đây, sau khi nghe Hằng trình bày, đối tượng Công đã đồng ý làm hộ chiếu giả cho Hằng với giá 500USD. Công yêu cầu Hằng đưa trước 200USD và số tiền còn lại, Công sẽ lấy ngay khi Hằng nhận được hộ chiếu. Ngay sau đó, Công đã hẹn gặp và đưa cho Hằng một CMND mang tên Nguyễn Thúy Diệu. Không chỉ vậy, Công còn hướng dẫn và giúp Hằng tận tình trong các bước làm thủ tục tiếp theo như bao nhiêu người xuất cảnh khác.
    Nhờ sự giúp đỡ của tên “cò điêu luyện”, chỉ 10 ngày sau đó Hằng đã nhận được hộ chiếu và giao số tiền còn lại cho Công. Từ lúc có trong tay hộ chiếu và CMND giả này cho đến khi bị bắt giữ, Hằng đã nhiều lần xuất cảnh sang Malaysia.
    Dựa trên những lời khai của Hằng, lực lượng trinh sát đã nhanh chóng tìm ra và bắt giữ đối tượng Công “đen”. Tại cơ quan CSĐT, Công khai nhận sinh năm 1962, ngụ quận Bình Thạnh. Sau khi ra tù hai lần với tội cướp giật tài sản, Công nhận thấy có nhiều cô gái trẻ của Việt Nam muốn sang các nước khu vực châu Á để làm tiếp viên trong các cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” nhằm kiếm bộn tiền nhưng lại gặp trở ngại về giấy tờ. Nắm bắt được nhu cầu này, Công nảy sinh ý định làm giấy tờ giả cho các cô gái.
    Và chỉ trong thời gian ngắn, Công đã tiếp tay cho nhiều trường hợp xuất cảnh sang nước ngoài bằng giấy tờ giả. Nhắc đến đối tượng Hằng, Công khai nhận: “Để thay đổi lý lịch của Hằng, Công tìm mua CMND thật mang tên Nguyễn Thúy Diệu từ một người không rõ lai lịch với giá 300USD”. Sau khi có trong tay tấm CMND này, Công bóc ảnh cũ bỏ đi rồi dán ảnh của Hằng vào và đem đi ép nhựa lại. Không chỉ vậy, Công còn tìm mọi cách làm giả một số giấy tờ khác cho trùng khớp rồi mang đi nộp xin cấp hộ chiếu như bao nhiêu người khác.
    Tại cơ quan điều tra, Công khai nhận y chỉ là kẻ trung gian chứ không tự “sản xuất” ra hàng loạt giấy tờ giả ấy. Tất cả những giấy tờ giả mà Công nhận làm cho hàng trăm người được đặt hàng từ đường dây làm giả giấy tờ cực lớn do Đỗ Hữu Thọ (SN 1975, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Trương Thị Bích Thủy (SN 1965, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tạm trú phường 2, quận Bình Thạnh) và Phùng Quốc Thái (SN 1978, ngụ phường 5, quận 5) thực hiện. Ngay sau đó, các đối tượng này đã bị bắt giữ.
    Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, trước đó Thái chạy xe ôm và thường đậu trước khu vực phòng quản lý xuất nhập cảnh. Dần dần, Thái có mối quan hệ với nhiều giám đốc, quản lý nhà hàng kinh doanh ngành nghề nhạy cảm tại TP.HCM. Những người này thường xuyên nhờ Thái làm giấy khám sức khỏe, giấy xét nghiệm máu, CMND giả cho các nhân viên nhà hàng, nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra. Và cũng từ đó, Thái trở thành tên “cò” chuyên nhận làm giấy tờ giả để làm thủ tục xuất nhập cảnh cho nhiều người.
    Sau khi nhận lời và giao kèo với các “con mồi”, Thái đặt hàng lại Trương Thị Bích Thủy, một giáo viên đã nghỉ hưu để giúp mình hoàn thành “nhiệm vụ” làm giấy tờ giả trục lợi bất chính. Để có được các loại giấy tờ như giấy khám sức khỏe, phiếu xét nghiệm... Thủy tìm đến chợ Kim Biên (quận 5) mua các dấu mộc tròn, dấu vuông, dấu tên bác sỹ của một người đàn ông lạ mặt rồi mang về nơi tạm trú và tự mình làm giả các loại giấy tờ này.
    Bên trong hang ổ bí mật
    Khám xét tại nơi ở của Thủy, cơ quan công an đã thu giữ 1.500 phiếu xét nghiệm máu của bệnh viện Bình Thạnh, 200 sổ khám sức khỏe và 150 sổ học học bạ mà đối tượng chưa kịp giao cho khách. Thủy khai nhận, với các loại giấy tờ là CMND, bằng cấp, chứng chỉ nghề Thủy không làm được mà mua lại của Đỗ Hữu Thọ, kẻ từng có tiền án 4 năm tù về tội làm giả giấy tờ. Trước những chứng cứ của cơ quan điều tra, Thọ khai báo, cuối năm 2011 sau khi ra tù, Thọ quyết định trở lại “nghề” làm giấy tờ giả. Để làm chuyên nghiệp và tinh vi hơn, đối tượng này đã sắm cho mình bộ đồ nghề gồm một máy vi tính, một máy in, một máy scan, một máy ép nhựa, hai bàn gỗ, hai khung kéo lụa, hóa chất rồi sản xuất ngay tại phòng trọ.
    Khi “khách hàng” tìm đến nhờ làm giấy tờ, bằng cấp giả, chỉ cần đưa mẫu cho Thọ, vài tiếng sau là có hàng. Để khẳng định “đẳng cấp” của mình, Thọ còn tự khắc dấu mộc để đóng dấu trực tiếp vào giấy tờ giả nên làm rất nhanh và trông như thật. Trong vụ án này, Thọ được xem là “bố già” cực tinh quái, xảo quyệt. Tại nơi ở của Thọ, cơ quan công an đã thu giữ gần 250 dấu mộc tròn giả gồm: 29 dấu mộc của Công an tỉnh, thành phố; 113 dấu mộc tròn của UBND xã, phường trong cả nước; 16 dấu mộc tròn của sở giáo dục đào tạo các tỉnh, thành... Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ điều tra cho biết, với những “công nghệ” này, không biết đã có bao nhiêu giấy tờ giả được tuồn ra ngoài và đang được sử dụng.
    Bắt giữ 11 đối tượng môi giới làm giấy tờ giả
    Liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả nói trên, PC45 Công an TP.HCM đã bắt và chuyển giao 11 đối tượng liên quan đến việc môi giới làm giấy tờ xuất nhập cảnh cho Công an phường Bến Thành, quận 1 xử lý hành chính. Đồng thời, đơn vị này vẫn tiếp tục mở rộng điều tra. Chia sẻ với chúng tôi về vụ án này, nhiều cán bộ điều tra cho biết, đây là đường dây làm giấy tờ giả quy mô lớn và rất tinh vi. Để bắt được các đối tượng này, cơ quan điều tra đã mất khá nhiều thời gian, công sức.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/theo-dau-vet-bo-gia-thay-ten-doi-ho-cho-kieu-nu-xuat-ngoai-a33938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan