(ĐSPL) – Mới đây, lại có thêm 5 nghi phạm khủng bố ở Indonesia bị lực lượng chống khủng bố bắt giữ.
VOV đưa tin, lực lượng chống khủng bố Indonesia hôm 18/11 bắt giữ 5 nghi phạm khủng bố ở ngoại ô thủ đô Jakarta của nước này.
Người phát ngôn của cảnh sát quốc gia, ông Boy Rafly Amar cho biết, các đối tượng trên đều là thành viên của một nhóm khủng bố.
4 tên trong số này bị bắt tại thị trấn Bekasi và tên còn lại bị bắt ở thị trấn Kalideres.
Cảnh sát đã thu giữ nhiều chứng cứ quan trọng khi khám xét nơi ở của các đối tượng. Hiện cảnh sát đang điều tra vai trò của mỗi đối tượng trong nhóm.
Indonesia đã phải hứng chịu một loạt cuộc tấn công khủng bố quy mô nhỏ trong những tháng gần đây, trong đó có vụ đánh bom bên ngoài nhà thờ ở thành phố Samarinda, vụ tấn công vào nhân viên cảnh sát ở ngoại ô Jakarta.
Hiện nay, nhà chức trách Indonesia đang theo dõi hơn 50 phần tử cực đoan trở về nước sau khi gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Cảnh sát Indonesia. Ảnh: World Bulletin. |
Trước đó Hanoimoi cho hay vào ngày 5/8, 6 người Indonesia đã bị bắt giữ tại đảo Batam với cáo buộc lên kế hoạch tấn công Singapore.
Theo cảnh sát, nhóm này đã lên kế hoạch phóng rocket vào Marina Bay, địa điểm du lịch nổi tiếng của Singapore. Khoảng cách phóng tên lửa tính từ Batam vào khoảng 30km. Các nghi phạm có tuổi đời từ 19 tới 46, đã bị bắt giữ bởi Lực lượng cảnh sát Đặc nhiệm 88, một bộ phận của cơ quan cảnh sát chống khủng bố Indonesia.
6 nghi phạm này bị bắt được cho là có liên hệ với Bahrun Naim, một trong những kẻ có thể là chủ mưu vụ khủng bố trung tâm thủ đô Jakarta hồi tháng 1 năm nay, khiến 8 người thiệt mạng.
Điều 7, Thẩm quyền của Nhà nước (Công ước chống khủng bố của ASEAN) 1. Một Bên phải thực hiện những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với tội phạm đề cập trong Công ước này khi: a. Tội phạm được thực hiện trong lãnh thổ của Bên đó; hoặc là b. Tội phạm được thực hiện trên tàu treo cờ của Bên đó hoặc một chiếc máy bay được đăng ký theo luật của Bên đó tại thời điểm thực hiện tội phạm; hoặc là c. Tội phạm do công dân của Bên đó thực hiện. 2. Một Bên có thể thiết lập quyền tài phán của mình đối với bất kỳ hành vi phạm tội nào sau đây: a. Tội phạm chống lại công dân của Bên đó. b. Tội phạm được thực hiện chống lại một cơ quan nhà nước hoặc chính phủ của Bên đó ở nước ngoài, bao gồm Đại sứ quán hoặc trụ sở ngoại giao hoặc lãnh sự khác; hoặc là c. Tội phạm được thực hiện nhằm buộc Bên đó phải làm hoặc không làm việc gì đó; hoặc d. Tội phạm được thực hiện bởi một người không quốc tịch thường trú tại lãnh thổ của Bên đó. 3. Một Bên cũng thiết lập quyền tài phán đối với tội phạm đề cập trong Công ước này trong trường hợp người phạm tội có mặt trong lãnh thổ của mình và Bên đó không dẫn độ người đó tới bất kỳ Bên nào cũng thiết lập quyền tài phán theo khoản 1 và 2 Điều này. 4. Công ước này không loại trừ việc thực hiện bất kỳ quyền tài phán hình sự của một Bên theo luật pháp quốc gia. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: https://www.unodc.org |
Quang Hưng (Tổng hợp)