Đường giao nhau là gì?
Theo khoản 3.24 Điều 3 QCVN 41:2016/BGTVT quy định nơi đường giao nhau là nơi hai hay nhiều đường giao nhau hoặc giao nhau với đường sắt trên cùng một mặt phẳng;
Nơi đường giao nhau không phải là nơi các đường bộ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào các khu đất lân cận trừ khi được cấp có thẩm quyền quy định là nơi đường giao nhau.
Quy tắc nhường đường tại nơi đường giao nhau như thế nào?
Tại Điều 24 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
- Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
- Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
- Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
Trong đó:
- Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.
- Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yêu trong khu vực, có thể hiểu nôm na là những đường to, phục vụ nhu cầu giao thông của khu vực.
- Đường nhánh là đường nối vào đường chính.
Khi tham gia giao thông tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên, hoặc giữa đường nhánh và đường chính, xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
Hiểu rõ khái niệm đường giao nhau và các quy tắc nhường đường là vô cùng quan trọng khi tham gia giao thông. Việc tuân thủ luật lệ sẽ giúp bạn trở thành một người tham gia giao thông văn minh, góp phần xây dựng một xã hội giao thông an toàn.