Trong khi cả Lê Viết Hiếu, Trần Phương Ngọc Thảo, Đỗ Quang Vinh... đều nổi tiếng với thành tích học tập siêu “khủng” và nối nghiệp gia đình thì doanh nhân Nguyễn Quốc Cường lại là “cơn gió lạ” khi bỏ vị trí Phó Tổng giám đốc QCG để tìm lối đi riêng.
Học bên trời Tây, kế thừa sản nghiệp gia đình
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) ngày 23/7 vừa phát đi thông báo về việc thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải. Đáng chú ý người kế nhiệm vị trí này là ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải.
Được biết, ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, tốt nghiệp chuyên ngành tài chính doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ). Trở về Việt Nam, ông Hiếu làm việc 2 năm tại ngân hàng Shinhan với vị trí chuyên viên tín dụng doanh nghiệp trước khi làm việc tại tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Năm 2016, ông Hiếu gia nhập tập đoàn Hòa Bình với vị trí Phó Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài. Đến năm 2018, ông lên chức Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài. Từ tháng 5/2019, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đối ngoại khu vực miền Bắc. Ngoài ra, ông Hiếu hiện còn là Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Chứng khoán Sen Vàng (mã CK: GLS), nơi ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch HĐQT.
Nhắc đến các thiếu gia tiếp quản sự nghiệp của gia đình không thể không nhắc đến Đỗ Quang Vinh, đại thiếu gia nhà ông Đỗ Quang Hiển (còn gọi là bầu Hiển). 30 tuổi, Đỗ Quang Vinh đã điều hành tập đoàn T&T chi nhánh tại Mỹ và như Vinh chia sẻ với báo chí thì anh đã trở thành thành viên HĐQT có quốc tịch Việt Nam trẻ nhất của ngân hàng Mỹ California International Bank.
Là con trai cả của ông chủ ngành ngân hàng và ông bầu bóng đá, gia đình thừa điều kiện nhưng Đỗ Quang Vinh lại rất giản dị. Trong thời gian học ở nước ngoài, Vinh đi làm thêm trong nhà hàng 2 buổi tối một tuần, kiếm được 60 USD mỗi buổi. Sau khi có bằng thạc sỹ ngành Tài chính - Ngân hàng tại Đại học Middlesex (Anh), thiếu gia nhà bầu Hiển tiếp tục đi tu nghiệp, làm việc ở một ngân hàng tại Singapore.
Vinh cũng không khỏi tự hào mỗi khi nhắc tới bố mình: “Việc làm con đại gia thì tôi thích lắm chứ. Vì bố tôi giỏi và tôi tự hào vì bố mình, ông luôn là thần tượng duy nhất trong tôi từ nhỏ cho tới lớn. Chỉ có điều làm con đại gia phải chịu những sức ép vô hình mà không phải ai cũng biết được”, Đỗ Quang Vinh chia sẻ.
“Tôi không phải không thích nổi bật hay không thích làm con đại gia, mà bởi vì tôi muốn nổi bật bằng khả năng của mình chứ không phải nổi vì con của ông nọ, bà kia”, Đỗ Quang Vinh nói.
Không chỉ các thiếu gia mà một ái nữ nổi tiếng của “nữ tướng ngành vàng” Cao Thị Ngọc Dung cũng sở hữu thành tích học tập đáng ngưỡng mộ và sau này cũng về phò tá cho công ty của gia đình.
Đầu tháng 6/2020, công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố danh sách 3 ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong đó cái tên đáng chú ý nhất chính là Trần Phương Ngọc Thảo, ái nữ của bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình.
Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản lý kinh tế tại Đại học Oxford (Anh), sau đó nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của London Business School và bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ).
Ít người biết, Trần Phương Ngọc Thảo là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ. Ái nữ của bà Cao Thị Ngọc Dung từng có 2 năm làm giảng viên tại đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó đảm nhiệm chức quản lý tại Ngân hàng Đông Á và ANZ Banking Group (Úc).
Thiếu gia chơi siêu xe có hạng, bỏ cơ nghiệp tìm hướng đi riêng
Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường được người ta biết đến nhiều hơn là siêu xe so với kinh doanh. |
Cường đô la tên thật là Nguyễn Quốc Cường, sinh năm 1982. Từ khi sinh ra, anh được sống trong một gia đình giàu có và có tiếng tại Pleiku (Gia Lai). Những năm 80, bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ Cường đô la) lấn sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng... nên nhanh chóng có được cơ ngơi đồ sộ cùng khối tài sản lớn chưa từng có. Bằng chính thực lực của mình, bà Loan nhanh chóng trở thành người phụ nữ nổi tiếng ở phố núi.
Năm 11 tuổi, Nguyễn Quốc Cường đã rất nổi tiếng đất Pleiku với việc chi tiêu tiền đô. Chính từ đó, cái tên “Cường đô la” đã vang dội và được nhiều người tìm kiếm.
Năm 24 tuổi, Nguyễn Quốc Cường đã trở thành Phó tổng giám đốc của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên tháng 11/2018, doanh nhân này đã chính thức “dứt tình” với cơ nghiệp mà bà Nguyễn Thị Như Loan dày công gây dựng.
Nhìn lại 12 năm làm quản lý tại Quốc Cường Gia Lai thì thấy, ông Nguyễn Quốc Cường có vị trí tương đối mờ nhạt tại tập đoàn gia đình này, về cả tiếng nói lẫn số cổ phần nắm giữ. Trong những lần đại hội cổ đông hay những vụ việc lùm xùm với báo chí, người ta chỉ thấy mẹ ông Cường là bà Nguyễn Thị Như Loan hoặc em gái ông Cường là bà Nguyễn Ngọc Huyền My lên tiếng.
Các báo cáo đều do đích thân bà Loan ký duyệt. Với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp kiêm người công bố thông tin, nhưng ông Nguyễn Quốc Cường không mấy khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới danh nghĩa đại diện DN. Tình hình công bố thông tin của QCG trong thời điểm vị doanh nhân này còn nắm quyền cũng gặp khá nhiều trục trặc, sai phạm và nhầm lẫn nhiều lần. Giữ chức vụ quản lý nhưng Cường đô la chỉ nắm giữ khoảng nửa triệu cổ phiếu QCG, thấp hơn nhiều so với em gái "không chức quyền".
Lý giải việc vẫn quyết định chọn lĩnh vực bất động sản là hướng đi riêng, ông Cường chia sẻ: “Trải qua thời gian dài làm việc trong lĩnh vực bất động sản, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Từ đó, tôi đã chọn một hướng đi độc lập, thành lập Chánh Nghĩa Quốc Cường”.
Mờ nhạt ở QCG nhưng đại gia Cường đô la lại nổi tiếng với siêu xe. Thậm chí chồng của Đàm Thu Trang còn được xem là tay chơi siêu xe có hạng, chỉ xếp sau đại gia Minh “Nhựa”.
Sơn Ca
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (120)