Mặc dù vụ khủng bố kinh hoàng ở sân vận động Manchester Arena, Anh hồi tháng Năm đã làm bất ngờ giới tình báo an ninh nước Anh, nhưng dường như các đơn vị tình báo của các quốc gia khác đã nắm được thông tin có thể ngăn cản thảm kịch này xảy ra.
Điều tương tự cũng có thể được áp dụng với hai vụ nổ tàu điện ngầm ở thành phố St.Petersburg, Nga hồi tháng Tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giới tình báo ở nhiều quốc gia sẽ không chia sẻ thông tin giá trị với các đối tác nước ngoài của họ, ngay cả khi sinh mạng của rất nhiều người đang bị đe dọa.
Theo RBTH, các dịch vụ tình báo trên khắp thế giới dễ dàng có được thông tin về kế hoạch của các nhóm khủng bố thông qua các nguồn tin nằm vùng. Các báo cáo sau đó sẽ được gửi đến cơ sở dữ liệu quốc gia để cảnh sát có được thông tin về nghi phạm.
Tại châu Âu, các dữ liệu này sẽ được chia sẻ trên Hệ thống thông tin Schengen để các nước thành viên khai thác chung. Tuy nhiên, vấn đề của hệ thống này các thông tin sẽ trở nên vô dụng và mơ hồ giữa khối dữ liệu khổng lồ, nếu như không có sự chỉ dẫn trực tiếp từ nguồn cấp thông tin chính từ các đơn vị tình báo nước ngoài. Salman Ramadan Abedi – kẻ đã kích nổ một thiết bị nổ tự chế ở vụ khủng bố Manchester đã có tên trong danh sách những nhân vật đang có những âm mưu cực đoan từ trước đó. Tuy nhiên, không có nước đồng minh nào của Anh chỉ rõ sự nguy hiểm của tên này, cũng như lên tiếng cảnh báo về kế hoạch khủng bố diễn ra như thế nào.
Các điệp viên thường không muốn chia sẻ các thông tin mật. (Ảnh minh họa) |
Theo chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Artem Kureev, các đơn vị tình báo nói trên thực chất có lý do của riêng mình trong việc hạn chế chia sẻ thông tin giá trị cho một quốc gia khác. Việc chia sẻ thông tin có giá trị cao (ví dụ về vị trí và thời gian của một cuộc tấn công khủng bố theo kế hoạch) có thể khiến “nguồn” thu thập thông tin bị lộ.
Đối với các chuyên gia tình báo châu Âu, việc tiết lộ thông tin về kế hoạch khủng bố cho các đồng minh thường đồng nghĩa với việc đặt mạng sống của “nguồn nằm vùng” rơi vào nguy hiểm. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các điệp viên nằm vùng đang được cài cắm trong hàng ngũ của các tổ chức khét tiếng như IS. Không chỉ đối mặt với việc bị hành quyết, nguồn thông tin quý giá bị cắt đứt, mà bản thân đơn vị tình báo của một quốc gia sẽ mất đi một nhân viên xuất sắc. Quá trình thâm nhập vào hàng ngũ của những kẻ khủng bố là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Rất ít chuyên gia kỳ cựu muốn phá hỏng việc thu thập thông tin tình báo đã tích lũy nhiều năm, chỉ để cứu một số công dân nước ngoài.
Về cơ bản, dịch vụ tình báo giữa các đồng minh thân cận (như Mỹ và Anh) vẫn thường xuyên trao đổi thông tin với nhau. Nhưng điều rắc rối ở chỗ, các thông tin này thường được tinh chỉnh lại hoặc cải biến theo một ý nghĩa khác, nhằm che giấu nguồn gốc. Trong trường hợp vụ khủng bố ở Manchester, có thể người Mỹ đã thông báo cho tình báo Anh về mối đe dọa đến từ Salman Abedi, nhưng thông tin có giá trị này dường như đã không được làm nổi bật lên và bị lẫn lộn trong số tài liệu khác được cập nhật lên cơ sở dữ liệu chống khủng bố. Rất có khả năng thông tin quan trọng này đã không đến được các đơn vị chống khủng bố ở Manchester. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cho tình báo tối mật ra ngoài cũng bị hạn chế, khi chỉ được thực hiện bởi một nhóm điều phối viên được uỷ nhiệm đặc biệt.
Việc thành lập một kênh thông tin chung giữa các nước cũng đòi hỏi các nhân viên tình báo chuyên nghiệp nhất sẵn sàng cùng với các nguồn thông tin mật, phân tích dữ liệu nhằm tìm kiếm cách thức ngăn thảm họa có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng trở ngại chính vẫn là các điệp viên kỳ cựu không bao giờ thích chia sẻ bí mật của họ.
Mạnh Kiên (Theo RBTH)