Thế giới đã ghi nhận hơn 34 triệu người nhiễm COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp tại nhiều quốc gia, khu vực.
Theo dữ liệu thống kê trên trang worldometers, tính đến 7h ngày 1/10, thế giới đã ghi nhận 34.141.740 ca nhiễm và 1.018.076 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19, tăng lần lượt 307.615 và 6.067 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.442.002 ca nhiễm và 211.634 người chết, tăng lần lượt 45.002 và 1.010 ca trong vòng 24 giờ qua.
Sức sống mới đang dần trở lại thủ đô Washington, khi nhiều điểm tham quan nổi tiếng bắt đầu tái mở cửa sau 6 tháng ngừng hoạt động, mặc dù các rạp chiếu phim vẫn đóng cửa và nhà hàng chỉ được hoạt động một nửa công suất. Những biện pháp hạn chế nhằm phòng chống COVID-19 khác nhau giữa các bang, thậm chí thay đổi theo hạt.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, hiện vẫn là điểm nóng COVID-19 khi nhiều ngày liên tiếp quốc gia này ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm/ngày.
Với 86.748 ca nhiễm và 1.179 ca tử vong được báo cáo thêm, Ấn Độ hiện ghi nhận 6.310.267 ca nhiễm và 98.708 người tử vong do COVID-19.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) ngày 30/9 đã tiến hành đợt xét nghiệm huyết thanh lần thứ hai trên phạm vi toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 17/8 - 22/9 đối với 29.082 người từ 10 tuổi trở lên.
Kết quả cho thấy khoảng 6,6% số người được khảo sát, tương đương tỷ lệ 1/15 người tại Ấn Độ (quốc gia có trên 1 tỷ dân) đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đối với những người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ này còn cao hơn ở mức 7,1%.
Ấn Độ những ngày qua ghi nhận tốc độ lây lan COVID-19 nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ảnh minh họa |
Dịch COVID-19 cũng đang tái bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu. Tây Ban Nha báo cáo thêm 11.016 ca nhiễm mới và 177 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 769.188 và 31.79.
Chính quyền trung ương Tây Ban Nha ngày 1/10 thông báo kế hoạch phong tỏa Madrid, thủ đô với ba triệu dân và 9 thành phố xung quanh. Người dân ở đây không được rời khỏi khu vực nếu không vì mục đích thiết yếu. Quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 23h mỗi ngày, công viên và sân chơi bị đóng cửa, chỉ cho phép tụ tập tối đa 6 người.
Số ca mắc trong ngày ở Pháp tăng vọt. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 12.845 ca mắc mới, cao nhất châu Âu. Với tổng số ca mắc 563.535 và tổng số ca tử vong là 31.956, Pháp đã vượt Chile và đứng thứ 11 về số ca mắc COVID-19 trên thế giới.
Vương quốc Anh cũng ghi nhận tới 7.108 ca mắc mới và 71 ca tử vong chỉ trong 1 ngày. Tổng số ca mắc ở nước này là 453.264 với 42.143 ca tử vong.
Tại châu Á, Nhật Bản ghi nhận 516 trường hợp mắc mới COVID-19 trong 1 ngày, nâng tổng số ca tại nước này lên 83.010 ca với 1.564 ca tử vong.
Hàn Quốc hiện ghi nhân 23.812 ca nhiễm và 413 ca tử vong, tăng lần lượt 113 và 6 ca sau 24 giờ.
Chính quyền Hàn Quốc yêu cầu người dân hạn chế đi lại để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh vào dịp lễ Trung Thu - kỳ nghỉ lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Kỳ nghỉ Trung Thu năm nay ở Hàn Quốc kéo dài từ ngày 30/9 - 4/10 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Vào dịp lễ này, người dân trên cả nước Hàn Quốc đi lại nhiều và sum họp gia đình.
Philippines vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 311.694 ca nhiễm và 5.504 ca tử vong, tăng lần lượt 2.426 và 58 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 tuyên bố các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ được gia hạn thêm một tháng, tới ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách COVID-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.
Indonesia thậm chí còn ghi nhận số ca mắc trong ngày cao hơn cả Philippines với 4.284 ca với 139 trường hợp tử vong. Indonesia hiện là nước có số ca mắc cao thứ 23 thế giới với tổng số người mắc bệnh là 287.008.
Hoa Vũ (T/h)