(ĐSPL) - “Nếu trường hợp ngân hàng đưa ra bằng chứng thẻ của khách hàng đã bị hack, đó rõ ràng là giao dịch phạm pháp. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp khi xảy ra sự việc như vậy, phía ngân hàng sẽ đẩy cho khách hàng phần thiệt thòi và không có trách nhiệm. Còn tại các ngân hàng tại Mỹ, họ sẽ chấp nhận hoàn trả cho khách hàng nếu số tiền đó không quá lớn.” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, khách hàng Tùng D. đã phản ánh về số tiền trong thẻ ngân hàng ACB chi nhánh Nam Định “không cánh mà bay”. Anh Nguyễn Tùng L. (anh ruột, đại diện cho gia đình anh Nguyễn Tùng D.), cho biết nếu ngân hàng ACB không có phương án khác để giải quyết sự việc sớm hơn, anh và em trai Tùng D. sẽ có đơn khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Liên quan tới sự việc, PV báo Đời sống & Pháp luật đã liên hệ trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng để tìm hiểu những thắc mắc của độc giả.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay,trong tất cả mọi giao dịch, nếu khách hàng nghi ngờ về giao dịch của mình trong thẻ có dấu hiệu không rõ ràng, khách hàng có thể thông tin tới ngân hàng để được giải đáp.
|
Bảng kê các giao dịch bất thường trong thẻ của anh Tùng D. |
Đề cập tới trường hợp cụ thể của khách hàng Tùng D., chuyên gia ngân hàng Trí Hiếu cho hay: “Trường hợp của ngân hàng ACB chi nhánh Nam Định, sau khi tiếp nhận được phản ánh của khách hàng, ngân hàng này sẽ phải liên lạc với ngân hàng nước ngoài khởi động ra những giao dịch đó và kiểm tra xem những chứng từ, bằng chứng liên quan tới giao dịch. Sau khi phía ngân hàng ACB nhận được những chứng từ, bằng chứng đó họ có nghĩa vụ phải chuyển lại cho khách hàng và đưa ra những lời giải thích”.
“Nếu trường hợp ngân hàng đưa ra bằng chứng thẻ của khách hàng đã bị hack, đó rõ ràng là giao dịch phạm pháp. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp khi xảy ra sự việc như vậy, phía ngân hàng sẽ đẩy cho khách hàng phần thiệt thòi và không có trách nhiệm. Còn tại các ngân hàng tại Mỹ, họ sẽ chấp nhận hoàn trả cho khách hàng nếu số tiền đó không quá lớn.” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Nói về việc khách hàng Tùng D. sẽ kiện ngân hàng ACB, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện hệ thống bảo mật an toàn cho khách hàng. Trong trường hợp thẻ của khách hàng bị hack, đối tượng phạm pháp không phải là ngân hàng mà là kẻ đã tạo ra những giao dịch ảo đó. Nếu khách hàng kiện ngân hàng ra tòa, khách hàng phải đưa ra những bằng chứng chứng minh phía ngân hàng không có động thái đảm bảo an ninh tốt đối với thẻ của mình”.
Đánh giá về sự việc, Luật sư Giang Hồng Thanh- trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết: “Chúng ta phải xác định thẻ đó có đúng là bị hack không hay những giao dịch đó của chính khách hàng thực hiện?”
Theo luật sư Thanh, trong trường hợp thẻ của khách hàng đúng là bị hack, pháp luật hình sự Việt Nam đã có những quy định cụ thể để xử lý trường hợp ăn trộm thẻ tín dụng ngân hàng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trường hợp kẻ chiếm đoạt thẻ là người nước ngoài thì xử lý thế nào? Pháp luật Việt Nam vẫn có điều luật quy định xử lý những trường hợp người nước ngoài (ở ngoài Việt Nam) vi phạm. Chúng ta có thể áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý người phạm tội nước ngoài, tuy nhiên điều này chỉ có tác dụng với những quốc gia có tương trợ tương pháp và ký hiệp định tư pháp với Việt Nam.
Trước đó, Báo Đời sống & Pháp luận nhận được phản ánh của anh Nguyễn Tùng D. (20 tuổi, trú tại Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định) về việc mình bị mất tiền một cách bất thường khi để trong thẻ visa của ngân hàng Á châu ACB chi nhánh Nam Định (67 Lê Hồng Phong, Tp Nam Định).
Theo đó, đầu tháng 7/2015, anh Tùng D. làm thẻ visa debit tại ngân hàng ACB chi nhánh Nam Định để nhận tiền từ Paypal (công ty hoạt động trong lãnh vực thương mại điện tử chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet).
Quá trình sử dụng, tới tháng 9/2015, anh Tùng D. đã tích lũy được 49 triệu trong tài khoản ACB. Số tiền này anh để dành cuối năm mua xe máy nên đã cất kĩ thẻ ở nhà cạo sạch 3 số cuối, không thanh toán hay mua sắm gì qua mạng.
Tuy nhiên, tối 30/9, anh Tùng D. nhận được cuộc gọi từ phía nhân viên ACB chi nhánh Nam Định thông báo về việc thẻ có những giao dịch lạ liên tục mua hàng bên nước ngoài là 240 bảng Anh. Theo đó, anh Tùng D. đã mất sạch 48 triệu trong tài khoản,chỉ còn dư 1 triệu. Bên ngân hàng ACB sau đó có động thái khóa tạm thời thẻ của anh Tùng D.
Khôi Nguyên
[mecloud]bCvkBs6gfQ[/mecloud]
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/the-acb-nam-trong-tu-van-mat-tien-co-kien-ngan-hang-duoc-khong-a114594.html