(ĐSPL) - Chính bị bắt giam vì hành vi trộm cắp tài sản, thay vì chấp hành án đối tượng này đã trốn khỏi nơi giam giữ. Đến thời điểm bị bắt, Chính đang là tổ trưởng khu dân phố.
Theo báo Tiền Phong, ngày 15/12, thiếu tá Nguyễn Xuân Dương, đội phó đội 2, Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm (PC 52), Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Chính (44 tuổi, ngụ tại xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Tuyên Quang từ năm 1993.
Đối tượng Chính bị bắt tại nhà riêng - Ảnh: báo Tiền Phong |
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, theo lệnh truy nã Chính bị bắt trong một vụ trộm cắp tài sản và bị TAND tuyên phạt 8 năm tù tại trại giam Quyết Tiến. Tuy nhiên, ;lợi dụng sơ hở của nơi giam giữ Chính đã cùng một phạm nhân khác tên Hùng phá lưới B40 trốn trại.
Sau khi trốn khỏi trại giam, Chính bắt xe vào Đắk Lắk làm ăn, cưới vợ. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Chính đổi tên thành Nguyễn Văn Chiến (50 tuổi, quê Kiến Xương, Thái Bình).
Hiện Chính đã có 2 con và được người dân tín nhiệm bầu là tổ trưởng khu phố 10, tổ dân phố 9, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột.
Theo thiếu tá Dương, năm 2011, nhận báo cáo của Công an tỉnh Tuyên Quang, việc Chính đang trốn truy nã tại gần khu vực Đại học Tây Nguyên (khu dân cư đường Phan Huy Chú) hành nghề khoan giếng. Tuy nhiên, khi cán bộ kiểm tra thực tế lại không có.
“Sau đó người dân cung cấp thông tin, chúng tôi đã sàng lọc đối tượng xác định được nơi ở của Chính. Ngày 14/12, khi lực lượng chức năng đến nhà riêng, ông này một mực chối tội và tính bỏ chạy nhưng bị bắt giữ”, thiếu tá Dương kể lại.
Thiếu tá Dương cho biết hiện công an đang tạm giữ chính và làm các thủ tục để bàn giao cho Công an tỉnh Tuyên Quang.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)