Để cải thiện bữa ăn cho học trò, thầy Phương đã cùng các thầy cô trong trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập tăng gia sản xuất, trồng rau nuôi gà lợn thời gian rảnh khi không phải lên lớp.
Cô giáo trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập tăng gia sản xuất. Ảnh: Giáo dục Việt Nam |
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập nằm khuất sau những dãy núi của xã Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), có một điểm trường chính và 11 điểm trường lẻ.
Do nằm giữa đại ngàn Trường Sơn nên thầy cô di chuyển đến các điểm trường phải chạy xe máy cả nửa ngày, có điểm trường phải “lội bộ” 3-4 giờ đường rừng mới đến nơi. Đường sá cách trở, giáo viên thường phải ở lại đến cuối tuần mới về nhà.
Tại điểm trường chính hiện có hơn 250 em học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Ca Dong học bán trú (ở tại trường đến cuối tuần mới về).
Những ngày mưa bão hay rét buốt, nguồn thực phẩm cho học sinh và cả các thầy cô trở nên khan hiếm.
Nguồn thực phẩm chủ yếu mua rồi vận chuyển từ dưới xuôi lên theo nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, mặc dù được hỗ trợ nhưng bữa ăn của các em cũng khá đạm bạc.
Để giải quyết vấn đề lương thực, mang thịt, rau xanh đến cho trẻ vùng cao, các thầy cô đã tăng gia sản xuất bằng các vườn rau, nuôi gà, nuôi lợn.
Với mong muốn mang thịt, rau xanh đến cho trẻ vùng cao, thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương cùng các thầy cô trong trường đã nghĩ đến việc tăng gia sản xuất, trồng thêm rau quả và nuôi thêm lợn, gà để cải thiện bữa ăn.
Từ năm học 2018-2019, toàn bộ diện tích đất trống trong khuôn viên nhà trường đã được thầy cô tận dụng để làm nơi trồng rau, nuôi gà.
Thầy Phương cho biết, những vườn rau, giàn cây leo không chỉ là nguồn thực phẩm sạch mà còn làm giảm cái nóng ngột ngạt vào mùa hè và trở thành nơi thực tập cho những “nông dân nhí” trong trường. Tất cả những kiến thức sinh học ở lớp sẽ được ứng dụng thực tế tại chính những vườn rau của trường.
Sau giờ học, thầy cô cùng các học sinh lại ra vườn chăm sóc, tưới bón cho những vườn rau. Các em được học về các loại giống cây trồng, cách chăm sóc cây non ….
Việc chăn nuôi không chỉ giúp giải quyết những thức ăn dư thừa sau mỗi bữa ăn của học sinh mà còn tạo nguồn quỹ để thầy cô, học sinh đi tham quan, học tập.
Thầy Phương hào hứng chia sẻ, trong thời gian tới, các thầy cô và học sinh nhà trường vẫn sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình này. Mô hình xanh tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch cho học sinh và thầy cô trong trường mà qua đó, các em cũng học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích.
Bạch Hiền (t/h)