Theo quan điểm của luật sư, nếu có căn cứ xác định thầy bói đã xem cho đối tượng và truyền bá những tư tưởng mê tín, là nguyên nhân dẫn đến việc Trần Thị Thêm sát hại người phụ nữ bán cá với mục đích thế mạng cho mình thì phải làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Giết người để... thế mạng?
Sau 3 ngày tích cực điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ thủ phạm giết người phụ nữ bán cá xảy ra tại xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là Trần Thị Thêm (SN 1982, trú tại thôn Húi, xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Trần Thị Thêm đã cúi đầu khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Theo đó, cách đây khoảng một tháng, Thêm bị khủng hoảng tinh thần vì họ hàng có nhiều người chết đột ngột, hầu hết chưa đến 60 tuổi. Thấy nhiều người trong họ ra đi bất ngờ như vậy, Thêm bồn chồn, lo lắng suy nghĩ. Cho rằng việc hương khói, thờ cúng của mình có vấn đề nên Thêm bắt đầu đi tìm đến thầy bói để được giải tỏa.
Khi đi xem bói, đối tượng được phán rằng nếu muốn gia đạo bình yên thì phải giết một người thân bên cạnh làm vật thế thân. Từ đó, Thêm luôn ám ảnh mình sẽ phải chết nếu không tìm được người thế mạng. Sau nhiều ngày cân nhắc, suy tính, Thêm đã nhắm tới người bạn thân của mình là chị Vũ Thị Ng. (SN 1979, trú tại xã Đan Hội, huyện Lục Nam) và lên kế hoạch sát hại.
Đúng theo kế hoạch, đến 3h ngày 18/12, Thêm đi xe máy mang theo con dao đã chuẩn bị sẵn rồi sang rủ chị Ng. cùng đi. Sau đó Thêm dẫn chị Ng. đến khu vực cánh đồng thuộc thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Nhận thấy khu vực này vắng người, cách xa khu dân cư, lợi dụng lúc chị Ng. sơ hở, Thêm đã bất ngờ rút dao cứa cổ và đâm liên tiếp chị Ng. khiến nạn nhân gục ngay tại chỗ.
Gây án xong, để đánh lạc hướng của cơ quan công an, Thêm nhanh chóng tạo dựng hiện trường 1 vụ cướp. Xong xuôi, Thêm biểu lộ vẻ mặt hốt hoảng, sợ hãi về báo với gia đình nạn nhân và cơ quan chức năng.
Dư luận đặt câu hỏi, nghi phạm Trần Thị Thêm sẽ phải chịu mức án như thế nào và người thầy bói được nhắc đến trong lời khai của nghi phạm Trần Thị Thêm liệu có bị xử lý hình sự?
Con dao gây án được cơ quan công an tìm thấy |
Thầy bói đồng phạm về tội Giết người?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định.
Luật sư Thơm chỉ rõ: Dựa vào lời khai của Thêm, do mê tín dị đoan nên nghi phạm có ý định giết người để thế mạng. Do đó, Thêm đã nhắm đến chị Vũ Thị Ng. là bạn hàng và cũng là người bạn thân nhất để ra tay. Xét nguyên nhân phạm tội của đối tượng là do niềm tin mù quáng mê tín dị đoan đang tâm sát hại người bạn thân để thế mạng. Dù không có mâu thuẫn, thù oán gì với chị Ng. mà đối tượng đã chuẩn bị hung khí ra tay sát hại dã man người bạn thân của mình đã thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ giết người.
Hành vi phạm tội của đối tượng Trần Thị Thêm đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Để che giấu hành vi phạm tội, đối tượng đã dựng hiện trường vụ cướp tài sản hòng qua mắt các cơ quan pháp luật. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 52, BLHS (có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm).
Vị Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh nhấn mạnh: “Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận cả nước nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Mặt khác đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người mù quáng tin vào mê tín dị đoan. Bởi lẽ, trong một xã hội pháp quyền buộc công dân phải nhận thức được những quy tắc cơ bản của cuộc sống và ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật”.
Đối với người thầy bói, vị luật sư cho hay, nếu có căn cứ xác định người này đã xem bói cho đối tượng và truyền bá những tư tưởng mê tín là nguyên nhân dẫn đến việc Trần Thị Thêm sát hại chị Ng. với mục đích thế mạng cho mình thì phải làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ xác định người thầy bói nói Trần Thị Thêm phải sát hại người khác để thế mạng cho mình và thực tế đối tượng đã sát hại người khác thì người thầy bói này sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội Giết người với vai trò người xúi giục theo quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp người thầy bói chỉ nói chung chung trong gia đình sẽ có người khác chết, người đó có thể là bản thân và đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc Trần Thị Thêm sát hại chị Ng. với mục đích tìm người thế mạng cho mình thì tùy theo tính chất mức độ, người thầy bói có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Xử lý hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan
Trao đổi về vụ án trên, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, nếu cơ quan CSĐT đủ căn cứ để kết luận do mê tín dị đoan, Trần Thị Thêm đã sát hại người bạn để thế mạng thì hành vi đó đã cấu thành tội Giết người, quy định tại Điều 123, BLHS.
"Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT cho biết, Thêm dùng dao cắt vào cổ và đâm liên tiếp vào người chị Ng.. Đó là hành vi man rợ, có thể xử lý theo điểm i, khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là tử hình", luật sư Ứng nói.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, sau khi ra tay sát hại bạn thân, nghi phạm còn dựng hiện trường giả là vụ cướp tài sản để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng thì đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 52. Ngoài ra, cần kiểm tra thật kỹ, nếu nạn nhân mất tài sản thì đối tượng còn bị truy tố về tội Cướp tài sản được quy định tại Điều 168, BLHS.
Về hướng xử lý với thầy bói, nếu người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ- CP ngày 12/11/2013 hoặc đã bị kết án về tội Hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 320, BLHS) chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho những người mù quáng tin vào mê tín dị đoan. Bởi lẽ, trong một xã hội pháp quyền buộc công dân phải nhận thức được những quy tắc cơ bản của cuộc sống và ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Ứng nói.
Khánh Ngân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 154