Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch triển khai 89.000 cảnh sát và loạt xe thiết giáp để đối phó với làn sóng biểu tình được dự đoán có thể nố ra vào ngày 8/12.
Một người biểu tình thuộc phong trào "Áo vàng" hồi cuối tuần qua ở Paris, Pháp. Ảnh: Getty. |
Bất chấp việc chính phủ Tổng thống Macron quyết định ngừng tăng thuế nhiên liệu, hàng ngàn người biểu tình vẫn đang lên kế hoạch tiến về điện Elysee vào cuối tuần này.
"8/12 sẽ là kết quả cuối cùng. Mục tiêu của ngày này sẽ là Elysee, tất cả chúng ta đều muốn đến Elysee", Eric Drouet, người phát ngôn của phong trào "Áo vàng" cho biết.
Với lo ngại một cuộc bạo động lớn sẽ xảy ra, chính phủ Pháp quyết định tăng cường lực lượng cảnh sát một cách đáng kể, với việc triển khai 89.000 cảnh sát trên toàn quốc. Khoảng 8.000 người trong số này sẽ có mặt tại Paris.
Bên cạnh đó, truyền thông Pháp khẳng định 10 xe bọc thép cũng được triển khai trên đường phố Paris. Việc điều động như vậy đã không xảy ra từ sau cuộc bạo động ở ngoại ô Paris năm 2005.
Cảnh sát Paris đồng thời kêu gọi các chủ cửa hàng dọc theo Đại lộ Champs-Elysees đóng cửa vào ngày 8/12. Hàng chục viện bảo tàng, các điểm văn hóa, bao gồm Tháp Eiffel, cũng đóng cửa vào cuối tuần này.
"Chúng ta đang đối mặt với những người không phải ở đây để biểu tình mà để phá hoại và chúng tôi muốn có những phương tiện để kiềm chế họ", Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố.
Sự nhượng bộ của nhà cầm quyền
Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Pháp tăng thuế bắt đầu nổ ra từ giữa tháng 11 và biến thành các cuộc biểu tình bạo động vào cuối tuần qua (1-2/12) ở Paris và nhiều thành phố lớn trên khắp nước Pháp.
Người biểu tình lập ra các lô cốt, hàng rào thủ công bằng bàn ghế gỗ và phế liệu, đốt lửa thiêu rụi nhiều phương tiện giao thông, ném đá vào đội hình cảnh sát chống bạo động, cướp phá nhiều cửa hàng địa phương.
Đã có 3 người thiệt mạng, hơn 260 người bị thương và ít nhất 400 người bị bắt giữ. Lực lượng an ninh phải dùng tới hơn 10.000 lựu đạn hơi cay, đạn gây choáng và đạn nước để trấn áp đoàn người biểu tình.
Tổng thống Emmanuel Macron ban đầu tỏ ra rất cứng rắn. Ngày 2/12, đứng cạnh Khải Hoàn Môn đang bị gạch vẽ lung tung và chìm trong khói lửa, ông Macron nói rằng: "Không một lý do nào có thể biện hộ cho việc các cửa hàng bị cướp bóc, người qua đường hay các nhà báo bị đe dọa, còn Khải Hoàn Môn thì bị phá hoại".
Khi đó, tổng thống khẳng định việc tăng giá xăng dầu là điều cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux, ông Macron sẵn sàng đối thoại, tuy nhiên sẽ không rút lại việc cải cách chính sách.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ngay giữa thủ đô Paris. Ảnh: Getty |
Thế nhưng, tới ngày 4/12, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đã bất ngờ đưa ra 3 quyết định đáng chú ý, đầu tiên là hoãn trong vòng 6 tháng việc tăng giá nhiên liệu dự định áp dụng từ đầu năm 2019, tiếp đến là cam kết không tăng giá điện kể từ nay cho đến tháng 5/2019 và cuối cùng là từ bỏ việc siết chặt các quy định liên quan đến đăng kiểm xe ô tô, vốn cũng định tiến hành từ năm sau.
Tuy nhiên nhóm biểu tình "Áo vàng" tuyên bố động thái nhượng bộ từ chính phủ Pháp không phải là điều họ mong muốn.
Trả lời kênh BFM TV, ông Benjamin Cauchy, người phát động phong trào biểu tình "Áo vàng" chống chính phủ, nói những người tham gia biểu tình không phải là "những con quạ" và họ không cần "vụn bánh mì" mà là "cả chiếc bánh mì".
"Chúng tôi không muốn tạm dừng (tăng thuế), chúng tôi muốn việc tăng thuế xăng dầu phải được hủy bỏ ngay lập tức", ông Cauchy khẳng định.
Ngày 5/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe chính thức thông báo chính phủ nước này đã hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong dự toán ngân sách năm 2019.
Có thể nói, những động thái trên của chính phủ Pháp đã thể hiện sự nỗ lực trong việc hạ nhiệt cuộc khủng hoảng liên quan đến phong trào biểu tình "Áo vàng".
Ngọn lửa oán hận nhen nhóm từ những thị trấn nghèo
Tới siêu thị giảm giá vào ngày cuối tuần cuối cùng của tháng 11, tất cả những gì Florian Dou mua được chỉ là gói xúc xích giá 6 USD và vài món lặt vặt. "Lương của vợ chồng tôi đã hết sạch từ 10 ngày nay rồi", Dou than thở.
Làm thế nào để tồn tại trong những ngày chờ kỳ lương tiếp theo là câu hỏi khiến người công nhân bốc xếp kho bãi này phải đau đầu mỗi tháng. Đó cũng là thách thức chung mà hàng nghìn người như Dou gặp phải ở Gueret, một thị trấn tỉnh lẻ ở trung nam nước Pháp, và cũng là lý do khiến Dou giận dữ, theo New York Times.
Thế nên Dou đã dùng hết số tiền còn lại để mua xăng và lái xe hơn 400 km tới tham gia cuộc biểu tình ở Paris hôm 1/12, theo lời hiệu triệu trên Facebook của những người "Áo Vàng" phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.
Phong trào "Áo Vàng" bùng nổ với những cuộc đụng độ ở Paris, nhưng cội rễ của nó lại đến từ những thị trấn nhỏ như Gueret, một trung tâm hành chính khoảng 13.000 dân lọt thỏm trong những thung lung và là một phần trong những khu nghèo nhất của Pháp.
Ở những thị trấn như vậy, một nỗi sợ thầm lặng đang gặm nhấm từng trụ cột gia đình: Điều gì sẽ xảy ra khi hết tiền vào ngày 20 mỗi tháng? Lấy gì để nhét vào tủ lạnh khi tài khoản cạn sạch và hóa đơn điện vẫn chưa đóng? Tôi nên nhịn bữa nào hôm nay? Tôi nói thế nào với vợ về việc cả nhà sẽ lại không ra ngoài chơi vào cuối tuần này?
Florian Dou đi mua đồ tại siêu thị ở Guéret, Pháp. Ảnh: New York Times. |
Dou cho biết anh gia nhập phong trào "Áo Vàng" ngay từ đầu và thường xuyên túc trực tại các ngã tư ở thị trấn để kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Hầu như xe nào qua cũng bóp còi thể hiện sự đồng cảm với những người biểu tình. Động cơ thúc đẩy Dou làm điều này là để "khôi phục các ưu tiên của nước Pháp, các giá trị về Tự do, Bình đẳng và Bác ái", đồng thời anh khẳng định việc tăng thuế xăng dầu chỉ là "mồi lửa làm bùng lên đám cháy".
Tuy nhiên Dou và nhiều người biểu tình khác biết rằng những hành động của họ ở Gueret khó có thể tới được tai những người nắm giữ quyền lực thực sự ở Paris, và đó là điều hối thúc họ tập hợp ở thủ đô nước Pháp hồi cuối tuần qua, gây ra cảnh hỗn loạn chưa từng có.
Trong đoàn người cùng Dou tới Paris hôm 1/12 còn có Yoann Decoux, thợ điện nhưng đã bị thất nghiệp, người chưa từng tham gia vào các cuộc tuần hành chính trị, nhưng lần này thì khác bởi "mọi thứ đã quá đủ rồi".
"Những người ở Paris còn không biết chúng tôi xoay xở với đồng lương còm cõi của mình như thế nào", Decoux nói. "Nhưng trời đất ơi, chúng tôi cũng là con người!" Người đàn ông này cho biết mình giờ đang phải sống lay lắt qua ngày nhờ sự giúp đỡ của bố.
Những người biểu tình như Dou và Decoux nói không với chính trị và không chấp nhận sự lãnh đạo của một chính trị gia nào với phong trào áo vàng. "Tất cả các chính trị gia đều như nhau và họ đều ghê tởm chúng tôi", Dou nói.
Với họ, việc Tổng thống Macron quyết tâm tăng thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường là cú đánh cuối cùng giáng vào hầu bao gần như đã cạn kiệt, dù mức tăng chỉ là vài chục cent trên mỗi lít nhiên liệu.
"Chính sách của họ khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Người dân muốn giảm thuế, nhưng họ lại cứ ra rả về môi trường", Depourtoux nói, đề cập đến diễn văn của Tổng thống Macron hồi tuần trước về kế hoạch chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. "Chúng tôi sẽ không dừng lại", anh khẳng định.
Trong bối cảnh bạo lực đang gia tăng, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Macron đã giảm xuống mức kỷ lục còn 18%. Một cuộc thăm dò hồi đầu tuần cho thấy 66% người Pháp có chung quan điểm những người biểu tình.
NGUYỄN QUỲNH (Theo Independent, Reuters, New York Times)