+Aa-
    Zalo

    Thập đại cao thủ uy chấn võ lâm của Kim Dung bao gồm những ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không phải Tiêu Phong, cũng chẳng phải Lệnh Hồ Xung hay Dương Quá, Vô Danh Thần Tăng mới chính là đệ nhất cao thủ trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

    Không phải Tiêu Phong, cũng chẳng phải Lệnh Hồ Xung hay Dương Quá, Vô Danh Thần Tăng mới chính là đệ nhất cao thủ trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

    Trong cuộc Khảo sát tổng quát về truyện Kim Dung - Tiểu thuyết được yêu thích nhất tại Trung Quốc, trong tổng 2029 phiếu bình chọn khán giả qua mạng (2005) đã chọn ra thập đại cao thủ với võ công tuyệt thế mà Kim Dung đã dựng lên.

    1. Vô Danh Thần Tăng

    Mặc dù xuất hiện một cách khiêm tốn với bộ áo cà sa cũ nhưng Tảo Địa Lão Tăng (nhà sư quét lá, hay Vô Danh Thần Tăng) là nhà sư võ công cao cường nhất. Ông cũng được cho là nhân vật lợi hại nhất trong tất cả các bộ truyện Kim Dung.

    Chỉ xuất hiện vài đoạn ngắn ngủi trong Thiên Long Bát Bộ nhưng ấn tượng mà "đệ nhất cao thủ" này để lại mãnh liệt tới mức những ai mê truyện không thể không nhớ tới. Chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn (những nhân vật võ công cao cường nhất Thiên Long Bát Bộ cho đến thời điểm đó) đủ thấy võ công của Thiếu Lâm Thần Tăng này cao thâm tới mức nào. Một chưởng khác là khi vị lão tăng dùng một tay đỡ đòn Hàng Long Thập Bát Chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước. Ông cũng chính là vị sư Thiếu Lâm duy nhất luyện thành 72 tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm.

    2. Độc Cô Cầu Bại

    Độc Cô Cầu Bại không hiện diện trực tiếp trong tiểu thuyết mà chỉ được hồi tưởng qua lời kể của các hậu bối. Ông được đề cập trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và được nhắc đến ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký.

    Ông được Kim Dung mô tả là cao thủ số 1 trong võ lâm, chưa bao giờ nếm mùi thất bại. Môn võ công tối cao nhất của ông là Độc Cô Cửu Kiếm do chính ông sáng tạo ra.

    Danh xưng Độc Cô Cầu Bại hàm ý về một cao thủ cô độc vì đã đạt đến trình độ đệ nhất, chỉ mong được một lần bại trận trong đời. Song trong suốt cả cuộc đời, ước mơ "giản dị" hơn này của ông cũng chưa từng được hiện thực hóa. Cả đời ông phải sống trong cô độc trên đỉnh cao của võ học. Trong những năm đỉnh cao nhất của võ học đời mình, Độc Cô Cầu Bại tuy là một kiếm gia nhưng không cần sử kiếm cũng phát huy được những chỗ tinh tế và lợi hại nhất của Độc Cô Cửu Kiếm.

    Sau này, các truyền nhân của ông là Dương Quá, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung đều là những đệ nhất cao thủ, kiếm pháp vô địch thiên hạ. Điều này cũng đủ để cho thấy sức mạnh của ông lợi hại như thế nào.

    3. Tiêu Phong

    Là bang chủ của phái Cái Bang, sở hữu phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ và sức mạnh đặc biệt trong võ thuật, Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí.Câu nói Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung đã thành nổi tiếng không ai không biết trong chốn giang hồ (tên tuổi Kiều Phong được xếp trước cả dòng họ Mộ Dung, một võ học danh giá ở Giang Nam).

    Với tuyệt chuyêu võ công Giáng Long Thập Bát Chưởng lĩnh ngộ ở mức tối đa. Hơn Hồng Thất Công,Quách Tĩnh bội phần. Không chỉ thế, nhờ 1 nền tảng nội lực thâm hậu và thiên khiếu võ học, những môn nào chàng thi triển đều đạt uy lực xưa nay hiếm có, kể cả những chiêu thức phổ thông bình thường.

    4. Trương Tam Phong

    Trương Tam Phong là một trong những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, được Kim Dung đưa vào sách. Ông tên thật là Trương Quân Bảo, lần đầu xuất hiện trong truyện Thần điêu hiệp lữ. Ông được sư phụ - Giác Viễn đại sư - truyền dạy một phần của Cửu Dương chân kinh. Cộng thêm với trí tuệ trác tuyệt, ông lập nên phái Võ Đang lưu danh muôn thưở.

    Trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung mô tả rõ hơn về nhân vật này. Khi ấy Trương Tam Phong đã trăm tuổi, nội công đã tu tập đến mức “lô hỏa thần thanh”, võ công đã đứng đầu thiên hạ. Các đệ tử của ông là Võ Đang thất hiệp cũng là những cao thủ số 1 thiên hạ, võ công ngang ngửa với cả các thần tăng của Thiếu Lâm Tự.

    Trong những năm cuối đời mình, ông còn sáng tạo ra môn võ Thái cực quyền và Thái cực kiếm vô địch thiên hạ. Nguyên lý của 2 môn võ học này hoàn toàn tương phản với võ học đương thời là lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương. Trương Tam Phong lợi hại tới mức chính Kim Dung từng khẳng định rằng ông là một nhân vật ngàn năm trước không ai hơn và ngàn năm sau cũng chẳng có ai sánh bằng.

    5. Đông Phương Bất Bại

    Đây là nhân vật phản diện duy nhất không thể không nhắc đến trong thập đại cao thủ của truyện Kim Dung. Nhân vật này xuất hiện trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, là giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo.

    Chỉ cần nghe đến 4 chữ Đông Phương Bất Bại thì tất cả võ lâm chính phái và tà phái đều cảm thấy run sợ và kính nể. Bởi thế, một mình Đông Phương Bất Bại lãnh đạo Nhật Nguyệt thần giáo nhưng vẫn trở thành đối trọng của cả võ lâm Trung Nguyên. Ngay cả các đại cao thủ như Nhậm Ngã Hành (giáo chủ đời trước của Nhật Nguyệt thần giáo), Phương Chứng đại sư (phương trượng Thiếu Lâm Tự), giáo chủ phái Võ Đang là Sung Hư đạo chưởng và Tả Lãnh Thiền (giáo chủ phái Tung Sơn) đều thừa nhận Đông Phương Bất Bại là cao thủ số 1 thiên hạ.

    Môn võ công mà Đông Phương Bất Bại tu luyện chính là Quỳ hoa bảo điển. Ba đại cao thủ là Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành và Hướng Vân Thiên cùng hợp lực nhưng cũng không thể chạm vào vạt áo của Đông Phương Bất Bại trong cuộc quyết đấu tại Hắc Mộc Nhai. Chỉ khi Nhậm Doanh Doanh dùng mưu kế, hắn ta mới thất bại.

    6. Trương Vô Kỵ

    Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ được giới thiệu là con trai Trương Thúy Sơn của môn pháp Võ Đang. Bị trúng độc chưởng từ nhỏ, chàng cùng Trương Tam Phong đi khắp nơi tìm phương pháp chữa trị. Bước ngoặt trong hành trình luyện võ của Trương Vô Kỵ là khi chàng vô tình tìm được Cửu Dương chân kinh - võ học trước kia Trương Tam Phong chỉ luyện được một phần. Sau đó, chàng học được Càn khôn đại na di - môn võ uy trấn của Minh giáo, võ công tiếp tục tiến triển.

    Sau khi gặp lại Trương Tam Phong, Vô Kỵ còn được ông truyền thụ cho hai môn Thái cực quyền và Thái cực kiếm. Cuối truyện, chàng được tôn là minh chủ võ lâm, thống lĩnh quần hùng.

    7. Dương Quá

    Là nhân vật chính của Thần điêu hiệp lữ, với tư chất thông minh, từ đầu truyện, Dương Quá nhanh chóng học được nhiều môn võ của các cao thủ như Âu Dương Phong, Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư... Nhờ chỉ dẫn của thần điêu, Dương Quá biết được cách luyện công của tiền bối Độc Cô Cầu Bại. Từ đó, võ công chàng tăng tiến, đạt đến cảnh giới rất cao.

    Trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ, Dương Quá đã sáng tạo ra môn võ công Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, sau đó đánh bại Kim Luân Pháp Vương trong trận chiến Tương Dương. Trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba, Dương Quá được tôn là Tây Cuồng - một trong Thiên hạ ngũ tuyệt (thay thế cho danh xưng Võ lâm ngũ bá).

    8. Phong Thanh Dương

    Ông là thái sư thúc tổ của Lệnh Hồ Xung, đại diện cho phe Kiếm tông của phái Hoa Sơn. Phong Thanh Dương tính tình phóng khoáng, thích tự do và nắm giữ bí kiếp Độc Cô Cửu Kiếm. Nhờ duyên kỳ ngộ, Lệnh Hồ Xung đã tiếp thu toàn bộ Độc Cô Cửu Kiếm từ Phong Thanh Dương và trở thành cao thủ võ lâm.

    9. Châu Bá Thông

    Chu Bá Thông là một nhân vật có thật trong lịch sử, song tư liệu về ông rất ít. Trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, Chu Bá Thông được xây dựng là sư đệ của Vương Trùng Dương, sư thúc của Toàn Chân thất tử.

    Chu Bá Thông mang hình hài của một lão ông, nhưng tâm hồn của một đứa trẻ con ngốc nghếch, ham chơi. Nhưng lão lại là kẻ trời sinh hiếu võ, hễ gặp môn võ công nào mới mẻ, lão sẽ say mê tìm hiểu, học tập tới quên ăn, quên ngủ. Thậm chí, lão còn tự sáng tạo cho mình một lộ võ công riêng lợi hại. Tuy nhiên lộ võ công này lại chỉ xuất phát từ thói ham chơi, sự buồn bã của Bá Thông.

    Ông là người sáng chế ra món võ công Không Minh Quyền, đặc biệt là môn Song Thủ Hỗ Bác, môn võ công kỳ dị chỉ dành cho những người có đầu óc hoàn toàn vô tư, trong sáng. Vậy mà môn võ công ấy lại trở thành một tuyệt học vô cùng lợi hại, khiến người sử dụng như được nhân đôi sức mạnh, khi mà hai tay đồng thời sử dụng được hai tuyệt kỹ khác nhau để tấn công.

    Bản lĩnh võ công của Chu Bá Thông cao tới mức cả Đông Tà, Bắc Cái, Tây Độc và Nam Đế đều cam bái hạ phong.

    10. Lệnh Hồ Xung

    Là nhân vật được yêu thích với trí thông minh, tính cách phóng khoáng, lãng tử, Lệnh Hồ Xung là bậc đại cao thủ về kiếm thuật. Chàng được thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương truyền cho môn kiếm pháp Độc Cô cửu kiếm. Về sau, chàng mất hết võ công do trọng thương.

    Một lần vô tình bị giam dưới Tây Hồ, chàng học được Hấp Tinh đại pháp do Nhậm Ngã Hành ghi lại bí kíp. Từ đó, chàng chữa được chấn thương, võ công tăng vượt bậc. Sau này, Lệnh Hồ Xung còn được Phương Chứng đại sư - chưởng môn phái Thiếu Lâm - truyền cho Dịch Cân Kinh để chữa di chứng của Hấp tinh đại pháp.

    Thu Hà (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thap-dai-cao-thu-uy-chan-vo-lam-cua-kim-dung-bao-gom-nhung-ai-a252008.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan