Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về tính khả thi của luật này, cũng như việc phải sửa đến 25 Luật để phù hợp với Luật mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ), ban hành luật này sẽ phải đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác. Đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, thời gian tiếp cận luật quá ít. Đại biểu Xuân đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo với các Luật khác khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ Luật và Luật phải sửa để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của dự án luật này vì theo đại biểu, Luật này mang nặng tính kế hoạch, tập trung. Bộ Kế hoạch - Đầu tư như là tổng quản.
"Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng luật này lại quy hoạch thị trường là khó khả thi", đại biểu Hồng nêu.
Về chi phí cho hoạt động lập quy hoạch, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công hiện nay không có tiêu chí nào xác định hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch thuộc các loại dự án đầu tư công. Do đó, cần sửa đổi Luật Đầu tư công để đảm bảo tính thống nhất và khả thi của Luật Quy hoạch.
Thời kì quy hoạch 10 năm là quá ít
Theo đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), thời kì quy hoạch nêu trong dự thảo là 10 năm. Đây là quy định cứng nhắc. Đã quy hoạch thì phải tính dài hơn, ngắn nhất là 10 năm chứ không nên quy định cứng.
Đồng tình với điều này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch 10 năm quá ít, quy hoạch vùng phải 20-30 năm, quy hoạch quốc gia phải 50 năm mới hợp lý.
Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đề nghị công khai thông tin quy hoạch càng nhiều càng tốt để người dân được biết. Đại biểu Trí dẫn chứng: Vừa rồi có đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội. Rất nhiều ý kiến trái chiều mà nguyên nhân là người dân bị thiếu thông tin về quy hoạch.
Một số đại biểu cho rằng nên tích hợp quy hoạch đô thị vào trong Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, nội dung này đã được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị. Ảnh minh họa. |
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, quy định lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức hội thảo, hội nghị như trong hội thảo là chưa đầy đủ. Nhiều vấn đề chuyên sâu thì cộng đồng không thể hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến không hiệu quả. Theo đại biểu này, cần có nhiều hình thức lấy ý kiến cộng đồng. Đồng thời có quy định cụ thể về tỷ lệ ý kiến đồng thuận là bao nhiêu để đồ án quy hoạch được thông qua.
Bên cạnh đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lập và thực hiện quy hoạch là rất quan trọng. Nên có quy định thành phần lập quy hoạch phải có đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để đơn vị này tham gia phản biện, giám sát.
Liên quan đến thực tế quy hoạch treo, gây bức xúc trong dư luận, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho biết: Người dân rất sợ quy hoạch treo. Do đó, trong tổ chức thực hiện, mỗi nhóm quy hoạch quốc gia/vùng, kể cả quy hoạch tỉnh nên thiết kế một hệ thống các điều kiện quản lý, kiểm tra, giám sát, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi.
Ví dụ với quy hoạch quốc gia, phải được ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện. "Dự thảo thiết kế chung quá. Cần có sự phân biệt, ưu tiên để thực hiện, lựa chọn thực hiện cái gì trước. Chẳng hạn hạng mục trọng điểm quốc gia như đường sắt cần có sự ưu tiên, có thể thực hiện trước một bước", đại biểu Đinh Văn Nhã góp ý.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là dự án Luật khó. Theo Bộ trưởng, Luật này không điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn bởi quy hoạch đô thị, nông thôn đã được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Quy hoạch đô thị và nông thôn có những tiêu chuẩn riêng nên đã được quy định riêng. Tuy áp dụng riêng nhưng vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch.
Về quy trình lập quy hoạch, không thể một cơ quan hay tổ chức nào mà phải nhiều bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lập quy hoạch. Khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch cùng cấp thì: Nếu quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu quy hoạch vùng, tỉnh mâu thuẫn với nhau thì thực hiện theo quy hoạch cấp trên.
Về chi phí cho lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất với ý kiến các đại biểu Quốc hội là phải sửa Luật Đầu tư công để có nguồn kinh phí khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng số quy hoạch các cấp của Việt Nam là gần 20.000 loại quy hoạch: Từ cấp Quốc gia, cấp vùng, cấp lãnh thổ, cấp ngành, đến cấp huyện, xã… Khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, dự kiến con số này sẽ giảm được một nửa.
Dự án Luật Quy hoạch được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 (11/2016) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017). Tuy nhiên tại kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật. Do đó, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, thảo luận tại kỳ họp thứ 4, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.