“Leo lên lan can không may bị ngã”?
Như Đời sống & Pháp luật đã nêu ở bài viết trước, ngay trong ngày học đầu tiên tại Trường Mầm non Huỳng Cung, (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cháu N.T.M.Đ học sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 3 xuống đất tử vong.
Theo tìm hiểu của phóng viên về sự việc, tại văn bản báo cáo ban đầu mà UBND huyện Thanh Trì gửi UBND TP Hà Nội cho hay, lớp học nơi cháu N.T.M.Đ (SN 2018) học (hôm xẩy vụ việc) nằm trên tầng 3, có 35 cháu, 2 giáo viên phụ trách lớp đều là viên chức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại học sư phạm mầm non.
Cũng văn bản này cho biết, cháu Đ trước đây ở nhà với ông bà, năm 2023 khi đủ 5 tuổi mới đi học buổi đầu tiên. Báo cáo của UBND huyện Thanh Trì có đoạn: “...buổi trưa cháu ăn uống bình thường, khi nghỉ do lạ nhà, lạ lớp nên khó ngủ và thức dậy nhiều lần, cô giáo đã dỗ dành, động viên cháu ngủ, nhân lúc không để ý cháu đã leo lên lan can và không may bị ngã. Ngay sau khi cháu bị ngã Ban giám hiệu nhà trường đã liên hệ với phụ huynh thống nhất gọi xe cấp cứu đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì. Đồng thời thông tin về UBND xã và UBND huyện. Tuy nhiên do thương tích cháu đã không qua khỏi vào khoảng 16h cùng ngày”.
Sự việc xảy ra ngay trong ngày đầu tiên của năm học mới 2023 khiến dư luận địa phương không khỏi xôn xao. Tuy nhiên sau hơn 4 tháng nhưng nguyên nhân và trách nhiệm người liên quan vẫn chưa được làm rõ.
Trong văn bản gửi Tạp chí Đời sống & Pháp luật mới đây Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, vụ việc báo chí quan tâm “cũng đang trong thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và sẽ công khai đến cơ quan khi có kết quả chính thức”.
Cũng liên quan tới sự việc này, Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Phạm Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Cung nhưng bà này không có hồi âm.
Tương tự, phóng viên đã liên hệ với Công an huyện Thanh Trì nhưng gần 1 tháng trôi qua đơn vị này vẫn chưa có thông tin chính thức về sự việc này.
Trách nhiệm người liên quan thế nào?
Liên quan tới sự việc này, trao đổi với Phóng viên Đời sống & Pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc hết sức đau lòng đối với gia đình cháu bé, là tai nạn không mong muốn trong môi trường học đường. Từ vụ việc cháu bé trèo qua lan can và rơi xuống này là bài học cảnh tỉnh đối với tất cả các nhà trường thuộc các bậc học cần nghiêm chỉnh rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, cần thiết kế hệ thống “dây văng chắn khoảng trống từ trần tới lan can, dây văng khung vực cầu thang… nhằm tránh để học sinh nhỏ tuổi chưa nhận thức được sự nguy hiểm nô đùa, leo trèo, trượt ngã qua lan can như vụ việc trên. Ngoài ra, các giáo viên phụ trách lớp cần phải sát sao chặt chẽ với học sinh, khóa cửa vào giờ nghỉ trưa tránh học sinh hiếu động ra ngoài chơi…
Trong vụ việc này, do có hậu quả chết người xảy ra vì vậy cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra cần nhanh chóng vào cuộc điều tra xác định nguyên nhân cái chết của cháu bé, nguyên nhân để xảy ra sự việc, trách nhiệm của các bên (nếu có).
Trong trường này, có thể thấy cháu Đ đã trèo qua lan can vào khoảng thời gian 13h50p ngày 5/9/2023, đây là thời điểm gần hết giờ nghỉ trưa ở các nhà trường, thời điểm này có 02 cô giáo trông lớp nhưng lại để học sinh có thể đi ra ngoài khu vực hành lang để trèo qua lan can từ tầng 3 rơi xuống đất dẫn tới tử vong là hết sức đáng trách.
Do học sinh đang ở trong lớp, trong phạm vi quản lý của 02 cô giáo, nhưng có thể do bất cẩn hoặc có thể do thiếu chú ý giám sát mà các cô này đã để học sinh ra ngoài mà không biết dẫn tới tai nạn chết người, hành vi này có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định pháp luật, Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là hành vi của con người coi thường quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, không tuân thủ theo những quy tắc đó nên đã dẫn đến hậu quả chết người.
Cụ thể, hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là trường hợp đặc biệt của tội vô ý làm chết người, sự đặc biệt ở đây thể hiện ở 02 điểm: Quy tắc an toàn bị vi phạm trong trường hợp phạm tội này là quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Người phạm tội là người có nghĩa vụ phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính đó. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính nói chung nguy hiểm hơn tội vô ý làm chết người. Quy tắc an toàn trong trường hợp phạm tội này có tính cụ thể, rõ ràng hơn, đòi hỏi chủ thể có trách nhiệm cao hơn trong việc tuân thủ.
Hành vi vô ý của 02 giáo viên ở đây có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin. Cụ thể, vô ý làm chết người do cẩu thả nên vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy tắc hành chính là trường hợp người phạm tội vì cẩu thả nên đã không nhìn thấy trước hậu quả chết người, bỏ qua việc áp dụng quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính mặc dù pháp luật yêu cầu họ phải tuân theo quy tắc đó và thấy trước hậu quả chết người nếu không tuân theo.
Vô ý làm chết người do quá tự tin nên vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy tắc hành chính là trường hợp người phạm tội hoàn toàn thấy trước được hậu quả chết người nhưng do chủ quan, quá tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra nên vẫn thực hiện hành vi đó mà ko áp dụng quy tắc, kết quả hậu quả chết người vẫn xảy ra.
Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thì khung hình phạt cao nhất người vi phạm phải đối mặt là 05 năm. Ngoài trách nhiệm hình sự, thì những người có hành vi vi phạm còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho gia đình có học sinh bị thiệt mạng, theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cũng theo Luật sư Đồng, trong vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiếp nhận tin báo và giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định là 20 ngày, nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn 02 lần, mỗi lần 02 tháng và tổng thời gian giải quyết nguồn tin về tội phạm là 04 tháng. Trường hợp nếu cần chờ kết quả giám định hoặc các nội dung trả lời từ cơ quan khác thì hết 04 tháng cơ quan điều tra sẽ tạm đình chỉ, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm hết thời hạn 04 tháng giải quyết nguồn tin về tội phạm cơ quan cảnh sát điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án. Vì thế, gia đình cháu bé cần nắm bắt quy định để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Chỉ thị nêu rõ, để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương. Đặc biệt, Chỉ thị số 23/CT-TTg nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. |
Hoàng Phương – Phú Nguyễn