Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu tài sản Wealth-X, 29% trong số 3.194 người giàu nhất thế giới với tổng tài sản ròng 11.100 tỷ USD tập trung tại một số thành phố trong năm 2022.
Cụ thể, theo báo cáo được công bố hôm 31/5, New York (Mỹ) vẫn là thành phố có nhiều tỷ phú nhất với 136 người. Các thành phố có nhiều người thu nhập cao khác nằm ở khắp châu Á, châu Mỹ và Trung Đông.
Hong Kong (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách với 112 tỷ phú, giảm 2 người so với năm 2021. Vị trí thứ 3 thuộc về thành phố San Francisco (Mỹ) với 84 tỷ phú, giảm 1 người so mới năm trước đó.
Moscow (Nga) xếp thứ 4 với 76 tỷ phú, theo sau là London (Anh - 75 người), Bắc Kinh (Trung Quốc - 61 người), Los Angeles (Mỹ - 58 người), Singapore (Singapore -54 người), Thâm Quyến (Trung Quốc - 43 người).
Các thành phố Mumbai (Ấn Độ - 39 người), Dubai (UAE - 38 người), Hàng Châu (Trung Quốc - 34 người), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ -33 người), Sao Paulo (Brazil - 33 người), Chicago (Mỹ - 32 người) và Paris (Pháp - 32 người) cũng góp mặt trong danh sách.
Từ năm 2021-2022, hầu hết thành phố hàng đầu tăng hoặc giảm 1 - 2 tỷ phú, ngoại trừ Singapore. Nơi đây đã đón thêm 4 tỷ phú trong khoảng thời gian này.
Theo báo cáo về giới siêu giàu thế giới của Công ty Altrata có trụ ở tại New York (Mỹ), số lượng tỷ phú trên thế giới đã giảm 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3.194 người, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2018.
Tỷ phú trong các lĩnh vực công nghệ, bán lẻ, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải cũng chứng kiến mức tài sản trung bình của mình giảm hơn 5% trong năm 2022.
“Theo các tiêu chuẩn gần đây, năm 2022 là một năm nhiều biến động đối với nền kinh tế thế giới, từ đại dịch toàn cầu đến cuộc xung đột tại châu Âu, lạm phát gia tăng mang tình thế hệ, căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc và sự định hình lại trật tự địa chính trị”, báo cáo cho biết.
Dù vậy, báo cáo cũng khẳng định, “giới tỷ phú vẫn có ảnh hưởng đáng kể và ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Đinh Kim(Theo Business Insider, SCMP)