Thời gian gần đây, theo thông tin người dân ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) cho biết, do thương lái Trung Quốc tiến hành thu mua cây Ba Chạc nên có rất nhiều bà con trên địa bàn đổ xô vào các cánh rừng để tìm cây này chặt, đem về bán.
Sau một thời gian lắng xuống, tình trạng người dân các xã thuộc huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đổ xô vào rừng tìm cây Ba Chạc chặt đem về bán cho thương lái lại bùng phát. Tại các xã như: Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Vạn Xuân, Xuân Cẩm, Xuân Thắng… chúng tôi liên tiếp bắt gặp từng đoàn người kéo nhau đi vào rừng khai thác cây Ba Chạc. Ngoài ra, ven 2 bên đường, nhiều điểm tập kết cây Ba Chạc đang chờ xe vào bốc đi.
Một điểm tập kết cây Ba Chạc. |
Tại làng Cụt Ặc, xã Xuân Chinh, nhiều gia đình cả nhà đi vào rừng tìm kiếm, khai thác cây Ba Chạc vận chuyển về nhập cho các đầu nậu tại địa phương. “Cả tuần nay, nhiều xe tải vào thôn thu mua cây Ba Chạc đem đi nơi khác. Đối với cây lớn, giá là 700 đồng/kg; cây nhỏ thì 500 đồng/kg” một người dân cho hay.
Một tốp người để lại xe máy ở bìa rừng thôn Cụt Ặc tìm cây Ba Chạc. |
Xe máy được dùng vận chuyển cây Ba Chạc từ rừng về điểm tập kết. |
Tại các ngã đường rẽ vào rừng, chúng tôi phát hiện cây Ba Chạc từ nhỏ đến lớn đều bị chặt hạ; tiếp tục đi sâu, từng nhóm người đang tìm kiếm cây Ba Chạc trong cánh rừng tự nhiên. Tại khu vực dốc cao, nơi giáp ranh với địa phận huyện Như Xuân, chúng tôi gặp 4 - 5 chiếc xe máy được nhiều người dân bỏ lại bên đường để vào rừng tìm loại cây này. Ven đường thôn Cụt Ặc, từng đống lớn cây Ba Chạc được người dân mang về đây bán, tập kết chờ xe đến lấy.
“Giá thu mua cây Ba Chạc hiện nay cao hơn trước, bình quân là 6.000 đồng/10kg. Trung bình, một ngày, một người có thể kiếm được 120.000 đồng từ việc bán cây Ba Chạc cho đầu nậu”, một người dân cho hay.
Một điểm tập kết cây Ba Chạc nằm cách UBND Vạn Xuân khoảng 100m đang chờ xe đến bốc đi. |
Trong khi đó, tại xã Vạn Xuân, đầu nậu thu mua cây Ba Chạc chất thành đống lớn cách UBND xã Vạn Xuân chừng 100m, đợi khi nào đủ sẽ gọi xe vào bốc bán ra ngoài cho các thương lái.
Theo ông Cầm Bá Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho hay, hiện không có tình trạng người dân vào rừng chặt cây Ba Chạc đem bán cho các đầu nậu. Những năm trước thì có, nhưng thời gian gần đây thì không có xe nào vào thu mua, vận chuyển cây Ba Chạc.
“Bên xã Thanh Sơn có cây Ba Chạc, cây này dùng làm thuốc. Đây chỉ là lâm sản phụ, không có cây to, người dân chỉ đi mót, làm vài 3 ngày là hết. Nếu có xe vào thì chỉ có xe tải nhỏ, tải trọng vài tấn trở lại chứ không có xe tải lớn”, ông Quân giải thích.
Theo tìm hiểu được biết, cây Ba Chạc thường được người dân gọi bằng cái tên khác như: chè đắng, chè cỏ, cây dầu dây. Theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy Ba Chạc có tác dụng làm giảm cholesterol, giảm mỡ máu và chứng cao huyết áp, chữa tê thấp, xương đau nhức, dùng cho phụ nữ sau sinh, chữa mẩn ngứa, ghẻ,… Ba chạc mọc rất phổ biến khắp nơi như bìa rừng, đồi cây bụi và trong rừng thưa, mọc ở cả vùng đất núi và đồng bằng.
Theo một số thương lái địa phương cho hay, thời gian gần đây, những người dân ở xã Vạn Xuân, Xuân Chinh đi vào rừng khai thác cây Ba Chạc rồi đem bán cho nhà một hộ dân ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân. Tại nhà thương lái này, cây Ba Chạc sẽ được dùng máy móc để sơ chế, băm nhỏ rồi đóng bao nhập sang Trung Quốc.
“Người ta chỉ băm nhỏ, sấy khô chứ không sử dụng một loại hóa chất nào để bảo quản. Từng bao cây ba chạc được đóng lại rồi dùng xe chở ra chợ Na Hình, tỉnh Lạng Sơn để bán lại cho các thương lái người Trung Quốc. Tại đây, cây ba chạc khô sẽ được bán từ 6.000 – 6.500 đồng/1kg”, một thương lái cho biết.
Cũng theo thương lái này, do bên đó có ít cây ba chạc nên người ta rất quý, thậm chí nhiều thương lái người Trung Quốc còn đặt tiền trước. Khi hàng ra đến chợ Na Hình thì người Trung Quốc sẽ sang đón để lấy hàng. Sau khi mua về nước, họ sẽ đưa vào tái chế những cây ba chạc này thành dược liệu rồi bán ra thị trường.
Phạm Thọ