Trước đó, Đời sống và Pháp luật có loạt bài viết về tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án lắp ráp ô tô gần 7000 tỷ tại huyện Hậu Lộc của công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu. Sau khi bài viết đăng tải đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc với nhiều ý kiến cho rằng công tác giao đất, đánh giá năng lực của các cơ quan chuyên môn tỉnh Thanh Hoá đối với chủ đầu tư dự án chưa khách quan…
Ngày 21/7, phóng viên đã có mặt tại khu vực liền kề dự án lắp ráp ô tô của công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu để ghi nhận hoạt động của đơn vị này. Quá trình ghi hình, có một người đàn ông tên Dũng, tự nhận là tổ trưởng thôn Đại Sơn, xã Đại Lộc ra bắt chuyện với phóng viên. Khi biết chúng tôi đang ghi hình dự án của công ty Toàn Cầu, người này liền rời đi và quay trở lại ngay sau đó cùng một nhóm người đi xe máy, họ mang theo thanh sắt dài, chặn đường di chuyển và yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân của nhóm phóng viên. Đồng thời, nhóm người đi cùng người đàn ông kia cũng hung hãn, quát tháo và đưa ra yêu cầu tương tự.
Chúng tôi đã từ chối những yêu cầu vô lý của nhóm người trên, đề nghị họ dừng việc chặn đường. Đồng thời cho họ biết là mình đang ghi hình phục vụ viết bài theo chỉ đạo của cơ quan và hành động chặn đường là vi phạm pháp luật nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác của nhóm người do ông Dũng dẫn đầu.
Trước hành vi đe doạ, coi thường pháp luật của nhóm người này, phóng viên đã gọi điện báo cáo sự việc cho ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá để chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho phóng viên.
Rất nhanh sau đó, lãnh đạo huyện Hậu Lộc, CA huyện Hậu Lộc đã cử CA xã Đại Lộc xuống “giải vây" và bảo vệ phóng viên tác nghiệp trước sự hung hãn của nhóm người này.
Một lãnh đạo Công an huyện Hậu Lộc đã liên hệ với chúng tôi và khẳng định phóng viên được thoải mái tác nghiệp theo đúng quy định pháp luật, không ai được phép cản trở việc tác nghiệp và đi lại của phóng viên.
Qua đây, Tòa soạn Đời sống và Pháp luật xin gửi lời cảm ơn tới ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá và lực lượng CA huyện Hậu Lộc, CA xã Đại Lộc đã kịp thời vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho những phóng viên.
Để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, Tòa soạn Đời sống và Pháp luật cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các cơ quan chức năng huyện Hậu Lộc vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm người chặn đường, cản trở, yêu cầu phóng viên xuất trình giấy tờ tùy thân. Đồng thời làm rõ vai trò của vị trưởng thôn Đại Sơn xã Đại Lộc trong vụ việc trên.
Có Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trao đổi với phóng viên về nội dung trên, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Công ty Luật Chí Công & Thiện Tâm - Đoàn Luật sư TP HN cho biết: Công dân có quyền tự do đi lại mọi tuyến đường cũng như khu vực mà không bị pháp luật hạn chế. Nội dung này đã được ghi nhận tại Điều 23 Hiến pháp của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013.
Bởi vậy, có thể thấy rằng hành vi ngăn cản người khác đi lại của nhóm người trên là trái quy định của pháp luật, đặc biệt nhóm người này lại không phải là cá nhân, đơn vị có thẩm quyền hoặc được cơ quan chức năng giao thẩm quyền.
Theo Điều 25 Thông tư 55/2021/TT-BCA và khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020, công an cấp xã có quyền tiến hành kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Điều đó đồng nghĩa với việc hành vi yêu cầu phóng viên xuất trình giấy tờ tùy thân của các đối tượng nêu trên khi các cá nhân này không phải là công an là không có căn cứ.
Bên cạnh đó theo Luật sư Tâm, hành vi ngăn cản phóng viên tác nghiệp cần phải làm rõ các đối tượng này đang thực hiện, che dấu sự việc gì? có thể những sự việc các đối tượng này che dấu là các sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc bảo vệ cho những người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cho dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi nêu trên của các đối tượng cũng cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để xác minh làm rõ nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra trong tương lai.