(ĐSPL) - Hai sắc phong cổ đã được ông Lương Văn Khuôn lưu giữ nhiều năm nay và bảo quản cẩn thận như báu vật của gia đình.
Tại gia đình ông Lương Văn Khuôn (SN 1944), trú ở làng Chu, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ hai sắc phong từ lâu đời. Qua khảo sát, bà Trịnh Thị Tâm - Cử nhân Hán Nôm, Ban quản lý Di tích và Danh thắng (Sở VHTT & DL Thanh Hóa) cho biết: hai sắc phong cùng được nhà vua ban cho một nhân vật.
Hai bức sắc phong của vua Duy Tân và vua Khải Định ban cho Bản cảnh thành hoàng chi thần |
Sắc phong thứ nhất được vua Duy Tân ban ngày 8 tháng 6 nhuận niên hiệu Duy Tân năm thứ 5 (năm 1911) cho Bản cảnh thành hoàng chi thần thờ phụng tại thôn Châu, châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, có công giúp nước an dân, ngầm hiển linh ứng. Bản dịch có đoạn: “Từ trước đến nay thần chưa từng được phong sắc. Nay Trẫm kế thừa mệnh sáng, nhớ tới công lao của thần nên tặng cho thần mỹ tự: Hậu tế quảng thi, phổ huệ đôn ngưng, Dực bảo Trung hưng chi thần. Cho phép địa phương trên thờ phụng thần như trước để thần bảo vệ cho nhân dân của ta”.
Bức sắc phong thứ hai do vua Khải Định ban ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (năm 1924). Trong bản dịch, vua Khải Định viết: “Thần có công giúp nước an dân, ngầm hiển linh ứng từng được ban cấp sắc phong và cho phép địa phương thờ phụng. Nay chính lúc Trẫm mừng thọ tuổi 40 nên ban chiếu báu, ban ơn thăng lên một bậc. Gia tặng thêm mỹ tự: Tĩnh hậu Trung đẳng thần. Cho phép địa phương thờ phụng để ghi vào điển lễ quốc gia”.
Ông Khuôn bảo quản cẩn thận hai sắc phong. |
Hiện hai bức sắc phong quý trên được ông Khuôn cuộn tròn đựng trong một ống nứa có nắp đậy. Ống nứa này được đặt trong một hộp gỗ chạm trổ tinh vi.
Nói về nguồn gốc của báu vật trên, ông Khuôn bảo: “Hai bức sắc phong này được cố nội tôi mang về cất giữ từ một ngôi đền trong làng thời đó bị tàn phá. Ngôi đền này thờ người trong dòng họ nhà tôi. Hai bức sắc phong được xem là tài sản quý của gia đình, dòng họ nên được cất giữ, bảo quản trong nhiều năm nay. Cách đây không lâu đã có người đến hỏi mua hai bức sắc phong với giá gần 100 triệu đồng nhưng tôi không bán”.
Hiện người dân trong làng Chu và gia đình ông Khuôn mong muốn cơ quan chuyên môn và các ngành liên quan bảo vệ, làm rõ lai lịch của người được vua sắc phong để có căn cứ phục dựng lại di tích.
Phong Trần