Gần 10 tháng không xử lý xong việc vi phạm Luật Đấu thầu
Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (gói thầu do Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư) có 2 Liên danh tham gia đấu thầu gồm: Liên danh Công ty CP Bảo tồn Di sản văn hoá kiến trúc Việt - Công ty CP Tư vấn và Đầu tư phát triển Bắc Sông Mã (Liên danh kiến trúc Việt - PV) và Liên danh nhà thầu Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan - Công ty CP Tư vấn thiết kế công trình văn hóa; Công ty CP Tu bổ di tích Huế; Công ty CP Mỹ thuật Trung ương; Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương Vinaremon và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thanh Hà (Liên danh kiến trúc cảnh quan - PV).
Báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 02/2023, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, ban đầu cả 2 Liên danh nói trên đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá E-HSĐXKT các đơn vị tư vấn chấm thầu nhận thấy trong E-HSĐXKT của 2 liên danh nhà thầu đều xuất hiện 2 nhân sự có tên là Phạm Văn Thiện và Trần Văn Tuấn, do đó đơn vị tư vấn đề nghị bên mời thầu - Chủ đầu tư làm rõ chi tiết này.
Quá trình làm rõ E-HSĐXKT các đơn vị tư vấn thống nhất đánh giá về nhân sự Phạm Văn Thiện (nêu trong hồ sơ của Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan) rằng: Trong thỏa thuận lao động ngày 2/1/2022 đã sử dụng chữ ký của ông Phạm Văn Thiện được lấy từ file PDF không phải là do ông Phạm Văn Thiện ký là sai quy định.
Do vậy, đơn vị tư vấn là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Gia Vũ nhận thấy Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan huy động nhân sự trên là chưa có sự đồng ý của nhân sự.
Từ những lý do trên, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Công ty CP Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan thuộc Liên danh Kiến trúc cảnh quan đã không trung thực, vi phạm quy định tại Điểm a, c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 (hành vi gian lận) và đề nghị xử lý theo Khoản 1, Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (tức là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm) là chính xác.
Được tham vấn về vụ việc trên, ngày 23/2/2023, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa cho biết, nội dung này đã được Bộ KH&ĐT trả lời công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (https://www.mpi.gov.vn/Pages/t...), đề nghị Sở KH&ĐT tham khảo.
Tại trả lời trên, Bộ KH&ĐT đã nêu rõ: “Trường hợp nhà thầu tham dự thầu với tư cách nhà thầu liên danh và thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu thì tất cả các thành viên trong nhà thầu liên danh này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ”.
Trong khi Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đang dính vào lùm xùm trong gói thầu liên quan đến bảo tồn, tu tạo Thành nhà Hồ nêu trên thì mới đây, ngày 4/5/2023, Công ty này lại được Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng ký quyết định phê duyệt trúng thầu tại gói thầu “Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án: Tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh” với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng
Thiết nghĩ để tránh dư luận kéo dài cũng như tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh thì trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cũng như các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này, cũng như làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là vai trò của chủ đầu tư.
Tư vấn, thiết kế có nhiều bất thường…
Đối với Dự án Lam Kinh - cụ thể là giai đoạn I của Dự án Lam Kinh, cái sai trước đó của PGS.TS.KTS Hàn Tất Ngạn là đã thiết kế hạng mục Cầu Bạch bị sai vị trí so với kết quả khảo cổ khoảng 7m; kiến trúc Cầu Bạch gốc (tư liệu đang trưng bày ở Lam Kinh) là cầu bằng gỗ, mái lợp ngói Kiểu “Thượng gia Hạ kiều” nhưng ông Ngạn thiết kế thành một cái cống đá cong vòng kiểu cầu công viên ở Trung Quốc đi lại trơn trượt rất khó khăn. Việc này đã từng bị nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ phê phán gay gắt tại nhiều hội thảo, tham luận trước đó. Còn hạng mục Mộ vua Lê Lợi (Mộ gốc ngày xưa được xây bằng gạch vồ), ông Ngạn cho ốp đá xẻ, việc này đã bị nhân dân phản đối rất mạnh và đã phải làm lại.Đối với hạng mục Giếng ngọc vốn là giếng đất rất to theo lý lịch di tích mô tả, nhưng ông ngạn kè đá thu bé lòng giếng lại và vị trí xây giếng cũng chỉ ước lệ không có cơ sở, cho nên khi giếng xây xong không thể sử dụng vì xây thành giếng thẳng đứng rất sâu, nên vô cùng nguy hiểm, hiện nay phải làm hàng rào và chỉ để nhìn từ xa. Cùng với đó là Chính điện một công trình chỉ có 3 tòa 18 gian tương đương với 3 ngôi đình làng thông thường mà tiêu tốn mất tiền ngân sách Nhà nước gần 300 tỷ (cả kiến trúc và nội thất). Tuy nhiên vấn đề không nằm ở đó, việc làm sai lệch Di tích mới là vấn đề quan trọng.
Cụ thể, là nhà Chính điện trong các tư liệu lịch sử viết: Nhà gồm có 3 tòa (điện Quang Đức - Sùng Hiếu - Diễn Khánh) nhưng ông Ngạn thiết kế thành Nhà có 01 tòa chữ Công và đặt tên là (Tiền điện - Trung điện - Hậu điện) nếu là chữ Công phải gọi là “Tiền điện - Xuyên đường (Xuyên đường còn có thể gọi khác là ống muống hoặc nhà cầu) - Hậu cung”. Đến khi bố trí nội thất, thì tòa Hậu cung là trang trọng nhất của Tòa chữ Công lại được bố trí giường vua nằm. Còn chỗ đặt ngài vàng để vua ngồi thiết triều thì ông Ngạn lại đặt ở nhà Xuyên đường (lối đi) như vậy là không đúng...
Điều đáng nói là tuy mắc rất nhiều sai phạm như vậy tại Dự án Lam Kinh nhưng không hiểu vì lý do nào mà ông Ngạn vẫn tiếp tục được chỉ định cho làm từ giai đoạn I, giai đoan II và đang triển khai giai đoan III (2021-20250) của Dự án có tầm vóc Quốc gia này?
Đối với Dự án: “Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ từ, trưng bày, quản lý, dịch vụ và cảnh quan DTLS Phủ Trịnh” được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 4363/QĐ-UBND ngày 29/10/2015 (Năm 2015) và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 5381/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 (các hạng mục xây dựng gồm 3 gói thầu: Gói số 5; số 6 và số 7.
Dự án này do PSG.TS.KTS Hàn Tất Ngạn - Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan thiết kế đã không có giải pháp bảo vệ giữ được các loại cây cổ thụ, nên 6 cây Duối cổ của di tích này đã bị ông Hoàng Tuấn Liêm - Giám đốc Công ty TNHH Tu bổ di tích và Xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa - đơn vị thi công công trình này đưa lên xưởng ở Lam Kinh. Khi bị người dân phát hiện thì ông Liêm bảo đưa lên Lam Kinh để chăm sóc.
Đặc biệt, ông Ngạn khi thiết kế đã không tôn trọng các kiến trúc gốc và các hiện vật gốc rất quý hiện có ở khu di tích lịch sử Phủ Trịnh, cho nên tòa nhà kiến trúc bằng gỗ 7 gian duy nhất hiện nay đã bị phá dỡ; tấm bia đá cổ duy nhất đang nằm chỏng chơ ở góc vườn, cùng với đó là rất nhiều gạch vồ cổ có kích thước lớn, gạch bát cổ, chân tảng cổ, gói cổ... đang nằm rải rác quanh khu vực đền thờ không được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận. Không chỉ vậy, ông Ngạn và ông Liêm còn lấp ao cổ (long mạch) ở trước Phủ Trịnh đang bị các cụ bô lão của Họ Trịnh Việt Nam lên án.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện họ Trịnh khu vực phía Tây Nam Hà Nội và họ Trịnh Cổ Bi cho biết: “Nhìn thấy Phủ Trịnh như hôm nay chúng tôi không khỏi xót xa. Cứ tưởng được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng là sẽ khang trang, tốt đẹp, ai ngờ, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công lại tự tiện làm sai, hủy hoại tòa nhà cổ 7 gian đây là di tích gốc đã gắn với công lao của ông cha chúng tôi với lịch sử để trục lợi và còn lấp luôn ao cổ đã có từ thời Chúa Trịnh. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công phải làm đúng với quy định trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích - nhất là đối với các kiến trúc gốc và hiện vật gốc vốn có gắn liền với Di tích phủ Trịnh. Đề nghị trả lại những giá trị vốn có của Phủ Trịnh chứ không thể có 1 công trình văn hoá tâm linh nào có 8 bậc cả...”.
Đối với Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung - Nơi thờ các Chúa nhà Nguyễn ở Thanh Hóa (giai đoạn 1) do UBND huyện Hà Trung làm chủ đầu tư, Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan do PGS.TS.KTS Hàn Tất Ngạn thiết kế ở giai đoạn I đã vướng lỗi sai vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể Điện thờ chính - Nguyên Miếu (nơi thờ chúa Nguyễn Kim và chúa Nguyễn Hoàng), công trình này mới bị phá vào thời sau này, nên có khá nhiều tư liệu ảnh chụp rõ ràng. Nhưng vì thiết kế “kiểu chộp giật” nên đã thiết kế sai. Nhà kiến gốc bằng gỗ, gồm 5 gian 2 chái kiểu 2 tầng 8 mái phía trước có thêm mái hiên và hàng cột đá. Phần trang trí cổ diêm có trang trí đắp phù điều rất đẹp. Khi ông ngạn thiết kế thì nhà chỉ có 3 gian 2 chái, không có mái hiên, không có cột đá, không có phù điêu... dẫn đến trông công trình nhỏ bé và không có tính thẩm mỹ.
Công trình thứ 2 ở đây là miếu thờ Trừng Quốc công (nơi thờ thân phụ của chúa Nguyễn Kim). Nguyên Miếu và Trừng Quốc công miếu được tiến hành xây dựng năm 2013 với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Cả 2 công trình này ông Ngạn đều làm sai quy mô, sai vị trí, sai kiểu dáng kiến trúc. Ở giai đoạn 2 của dự án này, chủ đầu tư được giao cho Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy mặc dù ông Ngạn làm sai bị chủ đầu tư là huyện Hà Trung “tẩy chay”, nhưng khi Dự án này (giai đoạn 2) được đưa về Sở thì ông Ngạn vẫn là người làm tiếp. Dự án giai đoạn 2 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2021 với tổng mức đầu tư là 253 tỷ đồng. Trong Dự án giai đoạn 1 chỉ triển khai có 2 hạng mục là Nguyên Miếu và Trừng Quốc công miếu đều bị sai, nên ở giai đoạn 2 thấy ghi chú là 2 hạng mục này phải chỉnh sửa làm lại.
Không biết việc làm lại tốn kém hàng chục tỷ đồng này thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Hoàng Vũ