(ĐSPL) – Chỉ trong vòng 3 tháng, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Lang Chánh đã kiểm tra bệnh việc huyện 56 lần ngoài giờ hành chính và nửa đêm gây phiền hà cho bệnh nhân và bệnh viện.
Trao đổi trên báo Gia đình Việt Nam, ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, thời gian qua, bên BHXH huyện đã liên tục kiểm tra đột xuất ngoài giờ hành chính và thường vào buổi tối. Việc làm này gây phiền hà cho bệnh nhân và bệnh viện.
Biên bản làm việc của BHXH huyện Lang Chánh kiểm tra bệnh viện Lang Chánh lúc 22h30 phút và kết thúc 23h cùng ngày. Ảnh: Gia đình Việt Nam |
Cụ thể, vào 22h ngày 6/9, bà Lê Thị Thưng, Phó giám đốc BHXH huyện Lang Chánh và nhân viên Hà Thu Vân chuyên viên đã kiểm tra tại khoa Đông y, Bệnh viện Lang Chánh. Kết thúc kiểm tra vào 22h37 cùng ngày.
2 ngày sau, vào 22h15 phút ngày 8/9, ông Đỗ Thanh Tùng và ông Lê Mai An, chuyên viên BHXH huyện đột xuất kiểm tra tại khoa Liên chuyên khoa và khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. Kết thúc kiểm tra vào 22h45 cùng ngày.
Đến ngày 19/9, vào 22h30, ông Đỗ Thanh Tùng và ông Lê Mai An bất ngờ vào bệnh viện Lang Chánh kiểm tra khoa Liên chuyên khoa và kết thúc kiểm tra vào 23h cùng ngày...
Chỉ tính đầu tháng 8/2016 đến cuối tháng 11/2016, BHXH huyện Lang Chánh kiểm tra đột xuất tại bệnh viện huyện Lang Chánh 56 lần ngoài giờ hành chính và nửa đêm.
Được biết, tại Hội nghị chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh BHYT do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc về việc cơ quan BHXH kiểm tra bệnh nhân lúc nửa đêm chưa khoa học, có biểu hiện làm khó.
Trước đó, theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1,5 triệu lượt người đi khám chữa bệnh tại 75 cơ sở ký hợp đồng với bảo hiểm y tế. Con số này tăng gần 200 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2015.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có nhiều sai phạm dẫn đến việc âm quỹ bảo hiểm tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm lên tới 1.369 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tỉnh này được sử dụng chỉ có 974 tỷ đồng khiến quỹ âm 395 tỷ đồng.
Về nguyên nhân, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, do nhiều đơn vị thực hiện sai và vi phạm các quy định hiện hành.
Trước tình hình trên, người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra 2 đơn vị. Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tổ chức thanh tra từ 3 đến 5 đơn vị. Thanh tra tỉnh nghiên cứu tổ chức thanh tra toàn diện 2 bệnh viện.
Luật Bảo hiểm xã hội Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội Tổ chức bảo hiểm xã hội có các trách nhiệm sau đây: 1. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; 2. Thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này; 3. Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn; 4. Cấp sổ bảo hiểm xã hội đến từng người lao động; 5. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; 6. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội; 7. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội; 8. Giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 41 của Luật này; 9. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; 10. Định kỳ sáu tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội. Hằng năm, báo cáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; 11. Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu; 12. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 13. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội; 14. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội; 15. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)