(ĐSPL) - Nhiều khách bị mắng nhưng họ cũng không tỏ thái độ khó chịu. Đó đã là cái tính của cô rồi, cô không sửa được, cô cũng không có ý định thay đổi” – chủ quán "bún chửi" nổi tiếng Hà Nội cho biết
[mecloud]eZ2p0mli03[/mecloud]
Thương hiệu "bún chửi" có 1-0-2
Thương hiệu quán "bún chửi" của bà chủ quán tên Hán Kim Thảo (60 tuổi), trên phố Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) được nhiều người để ý và đến ăn. Ngày trước quán nằm ở chợ Ngô Sĩ Liên nhưng đến nay do kinh doanh phát đạt, quán được chuyển ra đường Ngô Sĩ Liên để có một diện tích rộng rãi hơn. Có một điều lạ là người ta vẫn nườm nượp đến ăn mặc dù bà chủ quán luôn miệng giọng the thé la mắng khách.
|
Cô Hán Kim Thảo bên quán bún đã có trên 30 năm thương hiệu. |
Gần 12h trưa, nhưng hàng người vẫn chen nhau vào quán "bún chửi" ăn ngon lành. Người ta xếp hàng chờ đến lượt được vào ăn. Chúng tôi ghé vào quán gọi đồ ăn. Chưa hình dung được gì, bà chủ quán lớn tiếng bảo "chị không nhìn biển ở ngoài à, ăn gì ra đọc biển trước đi". Một bát bún móng giò có giá 40 nghìn đồng nhưng bát bún khá đầy đặn có đến cả chục miếng thịt chặt rất to, ngọt nước.
Thực khách vừa bước vào quán, bà chủ quán “mắng xơi xơi” là “ăn bún gì, tìm chỗ ngồi đi…” nhưng thấy ai ai cũng lặng lẽ rồi tìm cho mình chỗ ngồi.
"Tôi đi quanh khu ga Hà Nội chưa quán nào ăn ngon mà đầy đặn. Nếu hết bún khô xin thêm bà cho và rất nhiều dọc mùng. Thịt thái to miếng chứ không mỏng như nhiều quán nên thịt ăn rất ngọt, món lưỡi ở đây thì quả là tuyệt vời", một thực khách cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Thảo cho biết, quán bún được bà mở từ cách đây hơn 30 năm về trước khi bà đang còn rất trẻ. Có lẽ vì có bí quyết nấu ăn ngon nên quán của bà mỗi ngày một đông và mở quán từ sáng đến 19h, lúc nào khách cũng ra vào tấp nập.
Bún lưỡi của bà Thảo có vị ngọt của lưỡi heo ninh, mùi thơm của lưỡi vừa chín đến độ vẫn dẻo mà lại không dai, màu nước bún đỏ dịu của cà chua... nên dù giá bán không rẻ và có giá 40 nghìn đồng một bát vẫn đông khách.
Nói tục nhưng không có ác ý
Ngoài chất lượng sản phẩm, một yếu tố nữa tạo nên thương hiệu cho quán chính là thái độ phục vụ của chủ quán và nhân viên. Trái ngược với các nơi khác khi luôn coi khách hàng là thượng đế, ở đây chủ quán thường xuyên quát mắng, thậm chí là chửi khách. Tuy nhiên, cả 2 tầng của ngôi nhà chật kín ghế ngồi, có lẽ vì quen bị mắng, nên ai ai cũng cười đùa và coi như không có chuyện gì.
|
Quán ăn luôn tấp nập khách tới thưởng thức. |
Chia sẻ về cơ nguyên có thương hiệu “bún chửi” nổi tiếng mà cũng là tai tiếng của mình, cô Hán Kim Thảo cho biết: “Tính cô thì sớm nắng chiều mưa, tối còn có thể có bão… nên những lúc nóng giận cô có quát tháo, mắng chửi khách hàng. Còn khách hàng, cô bán bún thế này là làm dâu trăm họ, nhiều khi có những khách cũng khó chịu lắm khiến cổ phải chửi mắng. Nhiều khách bị mắng nhưng họ cũng không tỏ thái độ khó chịu. Đó đã là cái tính của cô rồi, cô không sửa được, cô cũng không có ý định thay đổi”.
Theo một nhân viên bán hàng: “Hôm nay có lẽ vì mát trời nên bà ấy không nói gì chứ đôi lúc bực tức bà mắng khách xa xả nhưng không có ác ý gì nên mọi người cũng tỏ ra bình thường”.
Là khách thường xuyên ghé vào quán bún của bà Thảo, cô Nguyên Nhi cho biết: “Tôi thường xuyên ghé vào quán này ăn trưa, ở đây hương vị của bát bún rất ngon nên rất vừa miệng. Thời điểm mới vào quán nghe bà ấy mắng mỏ khách tôi thấy không vừa ý nhưng sau đó mọi người cũng cười đùa coi như không có chuyện gì.”.
Hàng xóm ngay cạnh quán cô Thảo thì cho rằng giọng bà nghe hơi chua ngoa chứ thường bà cũng không chửi thậm tệ như báo chí phản ánh đâu. Bà ấy nói xong rồi thôi, khách vẫn chấp nhận ra vào nườm nượp là đươc.
Được biết trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Giáo dục - đào tạo và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do gần đây TP tiếp nhận những thông tin báo chí phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng. Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội. Từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thực hiện được điều này rất tốt nhưng TP Hà Nội đang lúng túng khi thực hiện. Việc xác định thế nào là nói tục, chửi bậy cũng rất khó. |
VŨ NHUNG
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-chui-nuc-tieng-ha-thanh-se-khong-sua-tat-noi-tuc-a99522.html