Tại giải U19 Đông Nam Á 2022, đội chủ nhà U19 Indonesia đã bị loại ngay từ vòng bảng do kém về thành tích đối đầu.
LĐBĐ Indonesia (PSSI) cho rằng U19 Việt Nam và U19 Thái Lan thi đấu "thiếu fair-play" khiến đội chủ nhà bị loại và đã gửi đơn kiện lên liên đoàn bóng đá Đông Nam Á ngay sau khi giải đấu kết thúc.
Không lâu sau đó, tràn ngập thông tin bóng đá Indonesia có ý định rời khỏi AFF để gia nhập LĐBĐ Đông Á và điều này nhận đồng thuận từ giới lãnh đạo bóng đá Indonesia, cũng như sự ủng hộ của người hâm mộ xứ vạn đảo.
Tuy nhiên, sau khi nhận thông điệp phản ứng từ AFF và đặc biệt là sau chiến thắng xoa dịu 2-1 trước U16 Việt Nam để giành vé vào bán kết giải U16 Đông Nam Á với ngôi nhất bảng, phía Indonesia đã xác nhận "ở lại".
"Bức thư của chúng tôi đã được AFF trả lời. Và AFC cũng đã lên tiếng. Họ khẳng định trận đấu là không có vấn đề gì. Tất nhiên, sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tồn tại ở AFF, bởi vì thực sự chúng tôi đang ở trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, chúng tôi đã thay đổi. Chúng tôi cũng trả lời Việt Nam và Thái Lan bằng cách giành chiến thắng (trước U16 Việt Nam)", ông Mochamad Iriawan, Chủ tịch PSSI chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 7/8.
Dù có nhiều đội bóng đẳng cấp hơn nhưng xét về số lượng giải đấu, khu vực Đông Á không bằng Đông Nam Á. AFF không chỉ thường xuyên tổ chức các giải đấu dành cho đội tuyển quốc gia, mà tổ chức này còn rất tích cực trong việc tổ chức các giải trẻ.
Do đó, một số phương tiện truyền thông Indonesia cho rằng, việc gia nhập LĐBĐ Đông Á chưa chắc đã giúp bóng đá nước này phát triển, chưa kể có thể tiêu tốn thêm nhiều ngân sách và ảnh hưởng thể lực các cầu thủ, mỗi khi phải di chuyển đoạn đường dài để thi đấu.
Trở lại trận đấu quyết định ở bảng A giải U16 Đông Nam Á, U16 Indonesia đã lội ngược dòng giành chiến thắng với tỷ số 2-1 trước U16 Việt Nam. Kết quả này giúp đội bóng xứ Vạn đảo giành vé vào bán kết với vị trí đầu bảng, còn U16 Việt Nam chỉ có thể hy vọng vào tấm vé vớt dành cho đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Hoa Vũ (T/h)